Bà Phạm Thị Hòa Thái, đại diện cư dân tòa N03 T3-4, cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại việc chủ đầu tư thất hứa. Họ hứa, cam kết rất nhiều lần từ chủ CĐT cấp 1 đến CĐT thứ cấp, nhưng chúng tôi chỉ quan tâm đến vấn đề thực hiện, mà đến giờ họ chưa thực hiện được. Chúng tôi tập trung phản đối để yêu cầu 3 vấn đề chính. Thứ nhất, bệnh viện được xây trong quy hoạch khi chúng tôi mua nhà là đầu mối kỹ thuật. Thứ hai, cư dân chúng tôi rất bức xúc về việc hoàn thiện sổ đỏ. Thứ ba là việc hoàn thiện các cơ sở hạ tầng hoàn thiện cho cư dân và những vấn đề liên quan khác”.
Được biết, khu đất ký hiệu DMKT1 theo quy hoạch ban đầu khi chủ đầu tư xin cấp phép xây dựng và bán nhà cho cư dân là trạm biến thế điện. Sau 2 lần xin điều chỉnh quy hoạch, khu đất DMKT1 từ trạm biến thế điện đã trở thành vị trí của Bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.
Cư dân KĐT Ngoại giao đoàn vẫn đang phải loay hoay giải quyết hàng loạt tồn đọng. |
Cụ thể, theo lần điều chỉnh quy hoạch thứ nhất ngày 2/6/2016, Trung tâm U bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản có trung tâm nghiên cứu công nghệ cao 9 tầng (1 tầng hầm) diện tích sàn 11.000m2, khu giao lưu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam – Nhật Bản, nghiên cứu phát triển 6 tầng (1 tầng hầm) diện tích 5.600m2. Công suất dự kiến là 40 giường nghiên cứu, điều trị. Cho đến ngày 1/3/2017 đã được điều chỉnh lên thành 12 tầng với công suất là 100 giường bệnh.
Ông Lê Việt Đức, Trưởng Ban quản trị Tòa 03T8, Khu Ngoại giao đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Tại sao bệnh viện ung bướu này được cấp giấy phép thì chúng tôi rất ngạc nhiên bởi vì chúng ta có rất nhiều cơ sở để bác bỏ việc xây dựng bệnh viện ở đây từ những quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc không được phép xây dựng các bệnh viện chuyên khoa trong khu nội thành rồi những văn bản về quy hoạch ở khu vực này là không có bệnh viện. Bây giờ xây dựng bệnh viện là chuyển đất công thành đất kinh doanh và biến chỗ đấy thành bệnh viện thì trạm biến thế giờ đặt ở chỗ nào?
Nhiều cư dân bức xúc vì thay đổi quy hoạch theo hướng "nhồi" thêm bệnh viện u bướu vào KĐT Ngoại giao đoàn. |
Bà Cù Phương Dung, cư dân tòa N01 T5 cho hay: Tôi chuyển đến sinh sống tại KĐT Ngoại giao đoàn từ tháng 9.2015. Là những hộ đầu tiên đến ở, từ đó đến nay tôi vẫn chưa có sổ đỏ. Việc thay đổi quy hoạch mà cư dân không được biết gì khiến chúng tôi vô cùng bức xúc.
Cư dân khi mua nhà trong khu này khi được biết rằng mình sẽ được hưởng những tiện ích trên 4 khu đất công cộng gồm trường học, tổ hợp thể dục thể thao, vườn hoa, đầu mối kỹ thuật...
Tuy nhiên, giờ thay đổi như vậy, tôi tin cơ sở hạ tầng sẽ không chịu nổi. Một khu đô thị lớn gồm hàng chục tòa nhà lớn, với 21.000 cư dân, không thể không có một trạm biến thế riêng".
Theo cư dân, việc xẻ đất xây bệnh viện ung bướu trong KĐT là việc làm sai trái. |
Trao đổi thêm với cư dân được biết, ngoài vấn đề bức xúc về việc xây dựng bệnh viện Ung Bướu, hiện nay tại KĐT Ngoại giao đoàn còn có những thay đổi khác là chèn thêm các khu cao tầng dẫn đến áp lực cho cơ sở hạ tầng, các cư dân lo ngại nơi này sẽ biến thành khu Linh Đàm thứ 2.
Hơn thế nữa, rất nhiều tòa hiện nay ở đây đến 4 năm trời, các cư dân đã làm thủ tục đầy đủ nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Cư dân đã làm nhiều đơn thư rất nhiều lần nhưng không được trả lời thỏa đáng.
Ngày 10/5, CĐT Dự án KĐT Ngoại giao đoàn - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đã có buổi đối thoại với cư dân. Nội dung cuộc đối thoại chủ yếu nhằm giải quyết các kiến nghị của cư dân liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết KĐT này. Trong đó, Hancorp đã đồng thuận theo phần lớn các kiến nghị của cư dân, bao gồm cam kết về việc thay đổi quy hoạch dự án, đẩy nhanh triển khai các hạng mục hạ tầng xã hội và giải quyết dứt điểm cấp sổ đỏ trong năm 2019.