Covid 24h: TP HCM muốn được cấp vaccine liên tục, ca nhiễm ở Hà Nội tăng nhanh

TP HCM muốn có vaccine liên tục để đẩy nhanh tiến độ tiêm 4 triệu liều trong một tháng, Hà Nội ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong một ngày.

Người dân TP HCM đã trải qua ngày thứ 63 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng, tiếp tục được yêu cầu không ra khỏi nhà từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Hôm qua TP HCM ghi nhận thêm 4.264 ca nhiễm, tăng 212 ca so với ngày trước. Số ca mới nâng tổng số ca Covid tại đô thị lớn nhất nước trong đợt dịch thứ tư lên 98.559 ca.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức vừa kiến nghị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long xem xét cấp vaccine liên tục cho thành phố để tiêm thêm hơn 4 triệu liều trong tháng 8. Việc này nhằm thực hiện mục tiêu 70% người trên 18 tuổi ở thành phố (hơn 7 triệu người), đảm bảo độ phủ vaccine cho người dân.

Theo lãnh đạo thành phố, qua 16 đợt phân bổ vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế, UBND TP HCM đã tổ chức tiêm hơn 1,7 triệu liều. Riêng đợt thứ 5 tiêm gần 800.000 trong tổng số 930.000 liều thuộc các nhóm ưu tiên.

TP HCM tăng cường xe tiêm vaccine lưu động đến các khu cách ly, phong tỏa ở TP Thủ Đức ngày 1/8. Ảnh: Quỳnh Trần.

TP HCM tăng cường xe tiêm vaccine lưu động đến các khu cách ly, phong tỏa ở TP Thủ Đức ngày 1/8. Ảnh: Quỳnh Trần.

Hôm qua, TP HCM lập thêm 2 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với tổng 350 giường. Trong đó, bệnh viện dã chiến Từ Dũ (227 Cống Quỳnh, quận 1) hoạt động trên cơ sở trưng dụng một phần cơ sở hạ tầng bệnh viện Từ Dũ với 150 giường, 210 nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ, hậu cần, hành chính.

Còn bệnh viện dã chiến Sài Gòn (125 Lê Lợi, quận 1) triển khai trên cơ sở trưng dụng toàn bộ cơ sở hạ tầng của bệnh viện Đa khoa Sài Gòn với 200 giường, 300 nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ, hậu cần, hành chính.

Với 2 bệnh viện điều trị F0 mới, TP HCM hiện có 41 cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 5 tầng, tổng cộng hơn 46.000 giường.

Thủ đô Hà Nội bước sang ngày thứ 11 giãn cách xã hội, số ca nhiễm tiếp tục tăng khi ngày 2/8 ghi nhận 159 ca mới, nâng tổng số lên 1.570 ca. Đây là ngày Hà Nội phát hiện nhiều ca nhiễm nhất. Thành phố vừa ghi nhận chùm ca nhiễm mới với 21 ca liên quan Công ty thực phẩm Thanh Nga ở 651 phố Minh Khai.

Hàng loạt địa điểm, khu dân cư ở thủ đô bị cách ly, phong tỏa khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng, như: chợ đầu mối Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm), phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) với 23.000 cư dân, bệnh viện đa khoa Chương Mỹ, chợ dân sinh Phùng Khoang, một số khu dân cư phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng)...

"Số ca được phát hiện tăng lên chứng tỏ giới chức đã đánh giá đúng nguy cơ và rà soát được đúng các đối tượng, không để sót lọt, đồng thời các biện pháp chống dịch được tăng cường", ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết.

Ngõ 651 đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng bị phong tỏa tối 1/8 sau khi ghi nhận chuỗi ca nhiễm ở Công ty thực phẩm Thanh Nga. Ảnh:Tất Định.

Ngõ 651 đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng bị phong tỏa tối 1/8 sau khi ghi nhận chuỗi ca nhiễm ở Công ty thực phẩm Thanh Nga. Ảnh:Tất Định.

Theo ông Tuấn, mục tiêu của thành phố khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội là sau 15 ngày phải "bóc" được toàn bộ các F0 đang ẩn khuất tại cộng đồng. Những ca phát hiện tại khu cách ly tập trung đều được quản lý và không có nguy cơ lây ra ngoài. Nhưng điều đáng lo ngại là còn nhiều ca nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện do triệu chứng không rõ ràng.

Do đó, Hà Nội tiếp tục giám sát tất cả người sốt, ho hoặc đau họng, khó thở mà không cần kèm yếu tố dịch tễ như tiếp xúc F0 hoặc đến từ vùng dịch. Bất cứ ai có biểu hiện như trên lập tức báo cho y tế để lấy mẫu xét nghiệm.

Chủ trì Hội nghị trực tuyến tăng cường quản lý, điều trị và nâng cao năng lực hồi sức tích cực trong phòng chống Covid-19, sáng 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận dịch lây nhanh, rộng, kéo dài, rất khó đưa các ca nhiễm về số 0 khi một số nơi bị ảnh hưởng nặng nề như TP HCM và các tỉnh phía Nam.

"Chúng ta phải chuẩn bị trận chiến nhanh hơn, mạnh hơn, đặc biệt phải bền bỉ", ông Long nói và đề nghị các địa phương tập trung củng cố năng lực ứng phó, để khi dịch bùng phát "không hoảng loạn, không hoang mang". Quan trọng nhất là chuẩn bị năng lực điều trị nhằm hạn chế tử vong.

Hôm qua, Bộ Y tế cũng có công văn đề nghị các tỉnh, thành không phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt nCoV ở ngoài trời. Cơ quan này đề nghị không phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người ở bất cứ tình huống nào, gồm cả dùng máy phun trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn. Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 cộng đồng; đảm bảo đúng liều lượng và phương pháp.

Hàng chục xe đặc chủng của Quân khu 7 được huy động để phun 6 tấn hóa chất khử trùng toàn TP HCM, từ sáng 23/7. Ảnh: Đình Văn - Thành Nguyễn.

Hàng chục xe đặc chủng của Quân khu 7 được huy động để phun 6 tấn hóa chất khử trùng toàn TP HCM, từ sáng 23/7. Ảnh: Đình Văn - Thành Nguyễn.

Bộ Y tế dẫn quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định những nơi như đường phố, vỉa hè, không phải là nơi chứa virus. Việc phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời không được WHO, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo, do kém hiệu quả, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh.

Trong ngày 2/8, cả nước ghi nhận 7.455 ca nhiễm (giảm 1.152 so với hôm qua) tại 38 tỉnh thành, chủ yếu tại TP HCM (4.264), Bình Dương (949), Long An (445), Đồng Nai (380), Khánh Hòa (286), Cần Thơ (221), Hà Nội (159), Bà Rịa - Vũng Tàu (132). Trong đó, 5.101 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu phong tỏa (giảm 1.489 ca), 2.344 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 337 ca).

Đây là ngày thứ năm liên tiếp cả nước ghi nhận số ca giảm qua từng ngày. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 157.868, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. Trong đó, TP HCM vẫn là vùng dịch lớn nhất nước với 98.559, tiếp đó là Bình Dương 17.807, Long An 6.457...

Hữu Công

Theo vnexpress.net
back to top