PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, đại dịch COVID-19 đã đảo ngược từ 5-8 năm tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và nỗ lực giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu.
Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2020).
Trong năm 2021, việc phát hiện người nhiễm lao rất khó khăn. Nếu năm 2020, số bệnh nhân lao được phát hiện giảm 3% so với năm trước đó thì năm nay số phát hiện lao giảm tới gần 20%.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, với đợt tấn công lần thứ 4 của dịch bệnh COVID-19, số liệu phát hiện bệnh lao sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, với 62.998 bệnh nhân được phát hiện so với 82.368 bệnh nhân 10 tháng đầu năm 2020 (giảm 23,52%).
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc BV Phổi T.Ư dẫn ví dụ cho thấy, tỷ lệ phát hiện bệnh lao giảm mạnh trong nhiều tháng, đặc biệt từ tháng 7 đến tháng 10, trên cả nước, tỷ lệ phát hiện lao trung bình theo ngày là 123 ca. Mặc dù, từ tháng 1 đến tháng 6/2021, con số này vẫn đạt được là 252 ca.
Các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, trở ngại đối với công tác phòng chống lao như người dân sợ nhiễm COVID-19, sợ phải khai báo y tế… nên không đi khám bệnh.
Nhiều bệnh viện chuyên khoa lao bệnh phổi chuyển đổi thành cơ sở điều trị COVID-19 nên các hoạt động phát hiện, điều trị lao bị ảnh hưởng rất nhiều. Các hoạt động khám phát hiện sàng lọc tại cộng đồng phát hiện sớm lao không được tổ chức do không được tập trung đông người.
Bên cạnh đó, hoạt động khám phát hiện lao chủ động như khám phát hiện lao trong các trại giam, lao kháng thuốc… đều bị đình trệ. Những vấn đề này xảy ra ở hầu khắp các tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng thuốc chống lao, sinh phẩm xét nghiệm cũng gặp khó khăn, nhất là các khu vực bị phong tỏa, giãn cách xã hội, bệnh nhân lao không thể đến nhận thuốc được, gây khó khăn cho công tác điều trị.