Hình minh họa
Bọn trẻ bây giờ chả mấy đứa hứng thú với việc nội trợ. Chúng bận học, bận tham gia các hoạt động tình nguyện, học thêm tiếng Anh, các câu lạc bộ, làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, trang bị đủ mọi kỹ năng để sau này ra trường còn lo xin việc.
Nhiều người trẻ rất giỏi giang, năng động và tự tin. Bởi xã hội đòi hỏi ngày một cao, công việc nhiều áp lực buộc con người ta phải không ngừng học hỏi, không ngừng vươn lên nếu không muốn bị tụt lại.
Nhưng thời gian chỉ có hạn, cho nên tập trung vào việc này thì phải bớt việc kia đi. Nhiều lúc cũng muốn con để ý việc nhà, nhưng chúng cứ đi tối ngày, bận hết việc nọ đến việc kia, đành chịu.
Ta luôn mong muốn một cuộc sống cân bằng, vừa có việc làm ổn định, vừa có thời gian để lo cho gia đình. Nhưng nhiều khi rất khó lựa chọn. Khi mà công việc đòi hỏi phải cống hiến, phải phấn đấu, phải về muộn, đi công tác nhiều… nếu không sẽ bị thay thế, mất cơ hội thăng tiến, thậm chí mất việc.
Còn gia đình thì cũng rất cần bàn tay người nội trợ, những đứa con cần được bố mẹ ôm ấp, được quan tâm mỗi ngày…
Chưa cần phát triển như các nước Âu- Mỹ, xã hội Việt Nam cũng đang phải trả giá cho việc lao vào làm kinh tế mà coi nhẹ gia đình. Những căn bếp thiếu đi ngọn lửa ấm mỗi tối, những đứa con được giao cho người giúp việc, bởi bố mẹ chúng quá bận rộn. Những gia đình thành cái tổ lạnh. Những đứa trẻ lớn lên thành người không hạnh phúc. Bởi thiếu đi sự gắn kết, tình yêu thương, sự chăm sóc từ đôi bàn tay nội trợ.
Xã hội Việt Nam hình như chưa bao giờ đánh giá cao công việc nội trợ, chúng ta vẫn coi đó là một việc phụ, không được tính công. Người phụ nữ ngoài công việc xã hội về nhà là bù đầu với ti tỉ thứ việc không tên.
May mắn thì có người đàn ông và các con cùng chia sẻ. Nếu không thì tự mình làm tất. Đôi khi ta có ca ngợi người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà, nhưng lại chất thêm cho họ cái gánh nặng của tiếng khen. Trong khi cái họ cần là sự công bằng thực sự trong xã hội, sự chia sẻ và những cơ hội được làm việc vừa được chăm sóc cho gia đình.
Minh Anh