Cong vẹo cột sống và những hậu quả nghiêm trọng

Đau lưng, hạn chế vận động hệ thống cơ xương, dị dạng thân hình, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp... là những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng cong vẹo cột sống.

Các loại cong vẹo cột sống thường gặp

Vẹo cột sống chữ C: Cong vẹo chữ C là khi đường cong uốn của cột sống đi theo một hướng và tạo thành hình chữ C. Những vị trí xảy ra vẹo cột sống chữ C gồm: Vẹo cột sống thắt lưng, vẹo cột sống bắt đầu từ dưới ngực, vẹo cột sống bắt đầu từ lồng ngực.

Vẹo cột sống chữ S: Tình trạng này còn được gọi là vẹo cột sống kép vì nó liên quan đến cả đường cong phần ngực, thuộc vị trí lưng trên và đường cong thắt lưng. Người bệnh sẽ khó phát hiện trong thời gian đầu vì đường cong cột sống đôi khi có xu hướng cân bằng lẫn nhau nên khó phát hiện tình trạng bất thường. Vẹo cột sống chữ S hiếm gặp hơn dạng chữ C, tuy nhiên người bệnh vẹo cột sống chữ S cần đặc biệt lưu ý vì quá trình điều trị, bao gồm phương pháp vật lý trị liệu hay phẫu thuật vẹo cột sống chữ S sẽ khó khăn và phức tạp hơn.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Dấu hiệu nhận biết, hậu quả của tình trạng cong vẹo cột sống

Bệnh cong vẹo cột sống có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu điển hình như: Gai đốt sống không thẳng hàng; hai vai không bằng nhau, bên cao bên thấp; xương bả vai nhô ra bất thường, khoảng cách từ 2 mỏm xương đến bả vai không bằng nhau; độ rộng hẹp giữa thân và hai tay khác nhau, xương sườn lồi lên, rõ hơn so với bên còn lại, thắt lưng mất cân đối; vị trí của hông bất thường, chân dài chân ngắn; cơ thể lệch sang một bên, đầu không ở giữa hai vai.

Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này.

Cong vẹo cột sống là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau lưng; hạn chế vận động của hệ thống cơ xương. Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng; ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi (giảm dung tích sống của phổi); gây biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến quá trình sinh đẻ của phụ nữ.

Chứng vẹo cột sống ở người lớn khó có thể ngăn ngừa được hoàn toàn. Người bệnh chỉ có thể phòng tránh bệnh và làm chậm quá trình lão hóa xương ở người lớn tuổi.

Hơn nữa, có những trường hợp vẹo cột sống vô căn, không rõ nguyên nhân nên việc phòng tránh hoàn toàn là điều khó có thể xảy ra.

Chứng vẹo cột sống thoái hóa xảy ra theo thời gian khi cơ thể già đi. Vì vậy, theo kịp chương trình tập thể dục tăng cường cốt lõi và aerobic tác động thấp thường xuyên là điều quan trọng. Những hoạt động này sẽ giúp tăng cường khả năng hoạt động của cột sống. Bên cạnh đó, những bài tập về lưng cũng sẽ làm giảm thiểu tác động các áp lực lên cột sống, cải thiện tư thế hoạt động sai.

Bệnh thường được điều trị bảo tồn bằng cách thay đổi thói quen tư thế hoạt động, tập vật lý trị liệu. Chỉ những trường hợp nặng, ảnh hưởng đến những vấn đề thể chất khác mới được xem xét và chỉ định phẫu thuật.

Theo Đời sống
back to top