<div> <p>Sau khi dư luận bức xúc về SGK độc quyền và lãng phí nhiều năm, ngày 24/9, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ra chỉ thị về việc học sinh không viết, vẽ vào sách, gây lãng phí.</p> <p>Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền.</p> <p>Đồng thời, các cơ sở hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách.</p> <h3>"Làm khó giáo viên"</h3> <p>Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - cho rằng khi mở sách lớp 1 của con, anh thấy trừ các trang bìa và mục lục, trang nào cũng có các yêu cầu cần học sinh viết, vẽ trực tiếp vào sách. Với quyển sách được thiết kế như vậy, yêu cầu của Bộ GD&ĐT không để học sinh viết, vẽ vào SGK là bất khả thi.</p> <p>Theo thầy Tùng, sách Toán lớp 1 được thiết kế các bài tập theo dạng yêu cầu: Nối hình, số tương ứng; tô màu; viết các số theo mẫu, điền số thích hợp, khoanh cho đủ số lượng; vẽ thêm hoặc gạch bớt để số lượng các thành phần bằng nhau.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="'Cong van cua Bo GD&DT khong giai quyet tan goc lang phi SGK' hinh anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2018/09/28/42500857_10156155178430326_5811842383649701888_n(1).jpg" title="'Công văn của Bộ GD&ĐT không giải quyết tận gốc lãng phí SGK' hình ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Thiết kế sách Toán 1. Ảnh: <em>M.T.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Chia sẻ góc nhìn trên, thầy Nguyễn Lê, giáo viên ở Hà Nội, cho rằng công văn của Bộ GD&ĐT gây khó cho giáo viên, bởi sách vốn được thiết kế để học sinh viết thẳng vào đó. Muốn giải quyết triệt để vấn đề lãng phí dư luận nêu, Bộ GD&ĐT và đơn vị trực thuộc là NXB Giáo dục Việt Nam phải xem xét lại thiết kế SGK sao cho phù hợp mục đích sử dụng. Khi chưa có sách theo định dạng mới, yêu cầu không được viết vào sách, đồng thời quy trách nhiệm, xử lý giáo viên, là khó hiểu.</p> <p>Cũng theo thầy Lê, SGK là tài sản của học sinh, do phụ huynh tự bỏ tiền mua thì không ai có quyền cấm các em viết, vẽ vào. Thậm chí, cuốn sách đó có được dùng lại hay không là do nhu cầu sử dụng của mỗi người. Điều quan trọng là SGK hiện tại được thiết kế với chất lượng kém, dễ rách và có nhiều bài tập phía trong nên không thể chống lãng phí bằng "chỉ thị nửa vời".</p> <p>“Công văn của Bộ trưởng GD&ĐT chỉ để giải quyết phần ngọn trước bức xúc của dư luận và đại biểu Quốc hội. Cách làm không đi vào thực chất sẽ gây nhiều hệ lụy, khó khăn trong việc dạy và học”, giáo viên này nói.</p> <p>Cô Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội - cho hay việc yêu cầu học sinh không được viết vào sách giáo khoa để có thể sử dụng nhiều lần là vi phạm quyền sở hữu tài sản cá nhân theo điều 164, chương 10, phần II, Bộ luật Dân sự. Đó là "quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật".</p> <p>Việc ủng hộ, trao tặng sách giáo khoa đã mua, sử dụng... hoàn toàn tuỳ thuộc chính học trò chứ không phải theo yêu cầu của bất kỳ ai. Việc yêu cầu giáo viên chịu trách nhiệm về vấn đề sử dụng SGK của học trò là sai luật.</p> <p>Với đặc thù của SGK tiểu học, khi có bài tập in sẵn trong sách, việc yêu cầu học sinh không làm bài, không viết vẽ vào sách là hoàn toàn phi lý, thậm chí phát sinh rất nhiều công đoạn không cần thiết trong quá trình dạy và học ở trường phổ thông. </p> <h3>Cần phân loại rõ sách sử dụng lâu dài hay sử dụng một lần</h3> <p>Thầy Đào Tuấn Đạt - giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, nêu quan điểm không lệnh cấm nào sửa được tận gốc vấn đề. SGK ở nước ngoài thường phân biệt hai loại rõ rằng.</p> <p>Loại thứ nhất được thiết kế để không làm bài tập vào sách, nhằm mục đích sử dụng lâu dài, in đẹp.</p> <p>Loại thứ hai (thường là sách Tiếng Anh) được thiết kế để học sinh viết vào SGK, in bằng giấy giá rẻ dùng một lần, thuận lợi cho quá trình học tập.</p> <p>Thầy Đạt cho rằng SGK ở Việt Nam cố tình trình bày lẫn lộn hai loại trên để học sinh vừa viết vào sách, vừa vất đi mà giá thành lại không rẻ. Đó là ý đồ không tốt.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="'Cong van cua Bo GD&DT khong giai quyet tan goc lang phi SGK' hinh anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2018/09/28/sgknuocngoai.jpg" title="'Công văn của Bộ GD&ĐT không giải quyết tận gốc lãng phí SGK' hình ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Sách môn Khoa học của Anh có loại sử dụng một lần được in đen trắng, giấy mỏng và loại sử dụng lâu dài được in bằng giấy đẹp. <em>Ảnh: Đ.T.Đ.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Theo thầy Đào Tuấn Đạt, khi thiết kế SGK, Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục cần phân biệt rõ loại sách dùng lâu dài hay sách dùng một lần. Riêng với cấp một cần sử dụng loại sách được thiết kế có kèm bài tập phù hợp. Sử dụng loại sách này cũng sẽ hạn chế tình trạng vở bài tập bày bán tràn lan.</p> <p>Cô Trịnh Thu Tuyết cho hay vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của SGK. Với các khối lớp có phân biệt SGK và sách bài tập, học sinh vẫn tận dụng làm bài tập vào sách bài tập để tiết kiệm thời gian. Bởi thời gian nhiều khi là thứ tài nguyên quan trọng và quý giá hơn cả một cuốn sách, đồng thời vận động các em giữ gìn sách giáo khoa để tái sử dụng cho các lớp sau.</p> <p>Việc này chỉ nên vận động chứ người quản lý không có quyền yêu cầu. Việc giữ gìn sách cũng đã được nhiều thế hệ học trò tự nguyện làm từ thế kỷ trước.</p> <p>"Cần tách riêng SGK và sách bài tập cho tất cả khối lớp. Chúng ta chấp nhận sách bài tập là tài liệu sử dụng cho một năm, có thể rất mỏng theo yêu cầu học tập, đồng thời vận động học sinh tái sử dụng sách. SGK nào cần đồng bộ với sách bài tập đó", cô Tuyết nói. </p> <p>Cô Tuyết đề xuất cần quản lý chặt chẽ khâu duyệt in và phát hành sách tham khảo đang tràn lan. Đây mới chính là vấn đề gây lãng phí lớn của giáo dục. Bất cứ vấn đề nào đều cần suy tính nhiều phương diện, tránh đưa ra những quyết sách vội vã, không giải quyết bản chất của vấn đề.</p> <div> <p>Sau khi khẳng định SGK có thể sử dụng nhiều lần, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thừa nhận sách gây lãng phí và sẽ điều chỉnh.</p> <p>Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, do đặc thù của môn học, ngoài các câu hỏi, bài tập truyền thống, một số SGK, nhất là sách Toán 1, tiếng Anh, có dạng bài tập trắc nghiệm, điền vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn đúng/sai, nối, khoanh, vẽ, đánh dấu, tô màu... SGK Toán của các nước tiên tiến cũng thiết kế dạng bài học với hình thức như trên.</p> <p>Lãnh đạo Bộ Giáo dục khẳng định không yêu cầu học sinh làm bài hay viết trực tiếp vào SGK mà cần làm vào vở viết hoặc vở bài tập. Nhưng nếu giáo viên không hướng dẫn từ đầu năm học và nhắc nhở thường xuyên, học sinh sẽ có thói quen viết trực tiếp vào SGK, gây lãng phí.</p> <p>Tiếp đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa lâu dài, học sinh không viết, vẽ vào SGK.</p> </div> </div> <p> </p>