Công ty nước Sông Đà vô cảm, vô trách nhiệm

(khoahocdoisong.vn) - Biết nước nhiễm dầu nghĩa là không thể dùng cho ăn uống, sinh hoạt được mà Công ty nước Sông Đà vẫn cứ cấp nước cho người dân, thì đó không thể coi là thiếu trách nhiệm, mà phải là tội ác.

Khăng khăng nước đạt chất lượng là vô cảm

Ông Trần Quang Hưng, nguyên PCT kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng đáng trách ở đây, là từ sự thiếu hiểu biết của đội ngũ lãnh đạo và kỹ thuật của Công ty, dẫn đến những biện pháp ứng phó kém hiệu quả, cũng như việc chậm báo cáo sự cố, với các cơ quan có trách nhiệm và khi trả lời công luận. Tiêu chuẩn nước sạch đầu tiên là về trực quan nước phải bảo đảm không mầu, không mùi, không vị. Họ không thể không cảm nhận mùi vị khét từ nước mà vẫn khăng khăng nói với các nhà báo “Nếu bảo nước ô nhiễm thì chứng cứ đâu...” (lời ông Tốn ,TGĐ Công ty nước sạch Sông Đà trả lời báo chí), thì thực sự vị lãnh đạo này không đủ nhận thức cũng như tư cách để quản lý một công trình liên quan đến sức khỏe của hàng triệu người dân.

TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho rằng,  nước nhiễm dầu chắc chắn không thể dùng để ăn uống được. Ấy thế mà Công ty nước sạch Sông Đà lại vẫn bán cho dân, không có một cảnh báo nào cho đến khi người dân phản ánh về chất lượng nước. Như thế không gọi là thiếu trách nhiệm mà phải gọi là tội ác. Cung cấp nước sạch là loại hình dịch vụ công thiết yếu, bởi đây là sản phẩm không thể thiếu cho cuộc sống, liên quan không những đến sức khỏe mà còn sự phát triển tương lai của con người của xã hội. 

Lấy nước sông Đà làm nguồn sản xuất nước sạch là một chủ trương tốt, bởi sông Đà là con sông bắt nguồn từ trong nước, chúng ta dễ quản lý hơn… Thượng nguồn sông Đà cũng rất ít các nhà máy, khu công nghiệp, hồ Thủy điện sông Đà như một hồ sơ lắng tạo điều kiện tốt cho sản xuất nước sạch. Việc quản lý an ninh khu vực nước dẫn về như thế nào cần được làm tốt hơn, đúng các quy định hiện hành, sẽ ít có khả năng xảy ra như vụ đổ trộm dầu thải này.

Nước có mùi sặc sụa mà kết quả vẫn đạt tiêu chuẩn

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên bức xúc cho rằng, phản hồi của lãnh đạo doanh nghiệp này cho đến thời điểm hiện tại là cực kỳ vô trách nhiệm. Rõ ràng, việc giám sát, ứng phó với sự cố tràn dầu hiện còn rất lúng túng. Khi phát hiện ra sự cố nhiễm dầu nhưng vẫn cho vận hành, không báo cáo là thiếu trách nhiệm. Qua sự việc này, người dân mới biết dường như doanh nghiệp chỉ biết... tháo nước về bán. Không hề có đầu tư công nghệ giám sát chất lượng, quản lý đầu nguồn. Rồi đến khi dư luận phản ứng nhiều quá, Công ty nước sạch Sông Đà bỗng dưng thông báo cắt nước vô thời hạn, đẩy hàng chục nghìn hộ dân vào cảnh điêu đứng khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt.

Theo Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, qua các vụ Formosa, Rạng Đông và hiện nay là vụ Nhà máy nước sông Đà mới thấy, khi xảy ra sự cố các cơ quan chức năng rất lúng túng trong việc xử lý thông tin, rất chậm trễ trong việc hướng dẫn cho người dân, cộng đồng. Việc huy động nguồn lực ứng phó, chỉ đạo xử lý sự cố cũng rất rối. Về mặt an toàn, chất lượng sản phẩm, chắc chắn phía nhà máy phải có quy trình kiểm soát nguồn nước đầu vào. Nhưng việc 1 tuần mới lấy mẫu 1 lần và kiểm tra, kể cả khi nước có mùi sặc sụa như thế mà chất lượng nước phòng thí nghiệm của nhà máy vẫn đạt tiêu chuẩn thì đây là điều đáng báo động.

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, một loạt sự kiện gần đây cho thấy công tác quản lý môi trường đang thực sự có vấn đề. Các cơ quan liên quan gần như bị động, không đủ năng lực để phản ứng, xử lý khi có sự cố, thảm họa xảy ra trong khi hậu quả để lại thì rất nghiêm trọng. Các cơ quan có trách nhiệm cần sớm ban hành tiêu chuẩn, yêu cầu nghiêm ngặt về công nghệ, kiểm soát chất lượng, các biện pháp an toàn đối với nguồn cung nước sạch đối với các doanh nghiệp.

Các khu vực đầu nguồn cung cấp nước cho các đô thị lớn phải được xếp vào danh mục các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và phải có phương án bảo vệ nghiêm ngặt. 

Về trách nhiệm với người dân và xã hội, các chuyên gia cho rằng, Công ty nước sạch Sông Đà phải kiểm soát, kiểm tra chất lượng. Nhà sản xuất thu tiền của người dân để bán nước sạch thì người dân phải được nhận nguồn nước đảm bảo chất lượng, còn cung cấp nguồn nước nhiễm bẩn, không đảm bảo thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm và bồi thường. Tùy thuộc mức độ gây hậu quả và mức độ ảnh hưởng, nhà sản xuất có thể sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Theo Đời sống
back to top