Mới đây, Chánh Thanh tra Bộ Y tế có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Dược Vật tư Y tế Hải Dương, trụ sở chính tại số 102 phố Chi Lăng, phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Mã số doanh nghiệp 0800011018, đăng ký lần đầu ngày 4/4/2003, đăng ký thay đổi lần thứ 19 ngày 10/8/2022 tại Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Tú Anh, Tổng Giám đốc công ty.
Công ty này bị phạt 25 triệu đồng do vi phạm hành chính không thực hiện lưu giữ mẫu nguyên liệu ban đầu, thành phẩm theo quy định, hoặc có lưu giữ mẫu nhưng không đủ lượng mẫu và thời gian lưu theo quy định, vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 12, Điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Công ty Cổ phần Dược Vật tư y tế Hải Dương. Ảnh minh họa |
Bị xử phạt nhiều lần
Trước đó, Công ty Cổ phần Dược Vật tư Y tế Hải Dương nhiều lần vi phạm về chất lượng thuốc, an toàn thực phẩm, từng nhiều lần bị xử phạt và thu hồi sản phẩm. Tháng 6/2020, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) xử phạt đơn vị này 210 triệu đồng, do sản xuất 6 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có giá trị sử dụng, công dụng.
Các lô sản phẩm vi phạm gồm: BonCare Kid Gold (Số lô: 030518, NSX: 250518, HSD: 250521), Ginseng Gold Max (Số lô: 041117, NSX: 271117, HSD: 271120), HairCare Gold Plus (Số lô: 010917, NSX: 110917, HSD: 110920), Siro Livar Kid Gold (Số lô: 010117, NSX: 030117, HSD: 030120), Piles Gold Max (Số lô: 010517, NSX: 100517, HSD: 100520), Queen Gold Max (Số lô 010817, NSX: 180817, HSD: 180820).
Tiếp đó, tháng 11/2020, Công ty Cổ phần Dược Vật tư Y tế Hải Dương bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo thu hồi thuốc vi phạm mức độ 3, do lô thuốc viên nang mềm Dacodex của đơn vị này sản xuất không đạt chất lượng.
Cũng trong tháng 11/2020, Công ty Cổ phần Dược Vật tư Y tế Hải Dương bị Cục Quản lý Dược thu hồi toàn bộ lô thuốc Aciclovir 400 mg do sản xuất không đạt chất lượng, vi phạm chất lượng mức độ 2 và bị xử phạt 70 triệu đồng.
Trước đó, Bộ Y tế cũng có quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mãnh lực Bổ thận tráng dương (số lô 010618, NSX: 200618, HSD: 200621) của Công ty Cổ phần Dược Vật tư Y tế Hải Dương, do chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố đã áp dụng, có chứa chất cấm Hydroxyhomosildenafin. Cục An toàn Thực phẩm cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Dược Vật tư Y tế Hải Dương tiêu hủy và thu hồi toàn bộ số lô sản phẩm vi phạm.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Dược Vật tư y tế Hải Dương |
Cần ngăn chặn việc sản xuất thuốc kém chất lượng
Các chuyên gia lưu ý, để tránh mua phải thuốc không đạt chất lượng, phải xem kỹ bao bì, hạn sử dụng, nhà sản xuất; kiểm tra mùi, màu, vị của thuốc. Nếu có nghi ngờ, người mua hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ; có thể tự tra thông tin thuốc qua mã vạch hoặc số lô sản xuất. Người tiêu dùng nên mua thuốc ở hiệu uy tín, đạt tiêu chuẩn "thực hành tốt nhà thuốc", không mua thuốc trôi nổi, đặc biệt là loại bán trên mạng Internet.
Trao đổi với PV Khoa học & Đời sống, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - cho biết, sản xuất thuốc không đạt chất lượng không chỉ gây hại cho người bệnh, mà còn làm xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống y tế. Vì vậy, cần thiết có sự can thiệp của pháp luật đối với những trường hợp công ty dược sản xuất thuốc không đạt chất lượng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân.
Theo luật sư Bình, tùy tính chất mức độ vi phạm, hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc không đạt chất lượng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Ông Bình dẫn Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy mức độ.
Riêng trường hợp nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa, phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng… (theo quy định tại Khoản 2 Điều 11), mức phạt tiền có thể gấp 2 lần so với quy định tại khoản 1. Cụ thể, phạt từ 1 triệu đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tiêu huỷ tang vật, nộp lại số lợi bất hợp pháp…
Căn cứ Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, chủ thể vi phạm có thể bị phạt tù từ 2 năm đến chung thân, thậm chí tử hình. Cá nhân phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại phạm tội này, mức phạt tiền từ 100 triệu đến 20 tỷ đồng. Pháp nhân vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động thời hạn 1 đến 3 năm; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn 1 đến 3 năm.
Luật sư Diệp Năng Bình nêu một số giải pháp cụ thể để ngăn chặn và phòng, chống sản xuất thuốc không đạt chất lượng. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại để người kinh doanh và người tiêu dùng nhận thức đầy đủ tác hại, hậu quả của việc sử dụng thuốc kém chất lượng.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải nhập hàng có đầy đủ hoá đơn, chứng từ, nguồn gốc rõ ràng, hàng hóa đủ tem nhãn, đảm bảo chất lượng, còn hạn sử dụng… Kiên quyết không kinh doanh hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tích cực thông tin, phối hợp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hành vi vi phạm trong kinh doanh.
Cơ quan thông tin đại chúng cần đưa tin, phản ánh kịp thời, trung thực chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác chống hàng kém chất lượng, tình hình sai phạm và công tác chống hàng kém chất lượng của cơ quan, lực lượng có chức năng, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác chống sản xuất thuốc không đạt chất lượng...
Nhiều công ty sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm vi phạm bị xử phạt
Giữa tháng 4, Thanh tra Sở Y tế TP HCM công khai danh sách xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế. Trong đó, 7 công ty, cá nhân bị xử phạt với tổng số tiền hơn 467 triệu đồng.
Công ty TNHH SX TM Healing Pro (59A đường số 9, phường Tân Kiểng, quận 7) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Tân (50/7B Đường số 20, phường 6, quận Gò Vấp) đều bị phạt 90 triệu đồng vì hành vi sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Thanh tra Sở Y tế còn ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm 24 tháng hoặc cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật đối với hai công ty này.
Công ty TNHH Mỹ phẩm Thanh Thanh (387 tỉnh lộ 10, phường An Lạc A, quận Bình Tân) bị phạt 70 triệu đồng vì sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng (sản phẩm PC Whitening Cream - hộp 4g, số lô 01, NSX 9/6/2022, HSD 9/6/2025 không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu khối lượng trung bình theo quy định); đồng thời thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm.
Danh sách bị xử phạt còn có hai đơn vị dược là Công ty Cổ phần Dược phẩm quận 10 (Lô C9 đến C13, 134/1 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10) và Công ty Cổ phần Dược phẩm quận 3 (Gian L21, L22, 134/1 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10).
Công ty Cổ phần Dược phẩm quận 3 bị phạt 125,5 triệu đồng vì không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về dược theo quy định của pháp luật; không niêm yết giá bán buôn bằng đồng Việt Nam tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược; sửa chữa, thay đổi về cấu trúc, bố trí kho bảo quản mà cơ sở bán buôn thuốc không báo cáo thay đổi kèm theo tài liệu kỹ thuật tương ứng với sự thay đổi theo quy định của pháp luật; không lưu trữ chứng từ, tài liệu liên quan lô thuốc trong thời gian phải lưu trữ theo quy định của pháp luật; bán thuốc cho cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thuốc chữa bệnh.
Còn Công ty Cổ phần Dược phẩm quận 10 bị phạt 60 triệu đồng vì sửa chữa, thay đổi về cấu trúc, bố trí kho bảo quản mà cơ sở bán buôn thuốc không báo cáo thay đổi kèm tài liệu kỹ thuật tương ứng với sự thay đổi theo quy định của pháp luật; bán thuốc cho cơ sở không đúng với phạm vi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng phạt bà Nguyễn Thị Phượng (phường 14, quận 11) 7,5 triệu đồng về hành vi giả mạo một trong những giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược; xử phạt bà Trương Hải Yến (phường Hiệp Thành, quận 12) 25 triệu đồng vì mua, bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.