Hiện trường vụ sạt lở nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 |
Tại Bệnh viện đa khoa Bình Điền (thị xã Hương Trà, TT-Huế), y bác sỹ nơi đây vẫn đang điều trị cho nhóm công nhân thoát chết sau vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3.
Nhóm công nhân thoát chết tại thủy điện Rào Trăng 3 đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bình Điền |
Lãnh đạo Bệnh viện cho biết, 5 nạn nhân được điều trị tại bệnh viện gồm: Nguyễn Thanh Quốc, Hồ Văn Diêu, Hồ Văn Thoàn, Nguyễn Đình Minh và Hồ Văn Triều.
Hiện sức khỏe của 5 công nhân đều ổn định, chỉ bị trầy xước bên ngoài. Trước đó, 2 công nhân có sức khoẻ tiến triển tốt đã xuất viện.
Trao đổi với PV, nhóm công nhân thoát chết dùng từ “kinh hoàng” để miêu tả những gì đã xảy ra trong đêm ngọn núi cao đổ ụp xuống công trường đang thi công, đẩy lán trại, nhà điều hành và máy móc xuôi về hạ nguồn sông Rào Trăng, vùi lấp 17 công nhân.
Ngồi thẫn thờ trên giường bệnh, anh Hồ Văn Thoàn (27 tuổi, trú huyện Đắk Rông, Quảng Trị) vẫn chưa hết sợ hãi sau hành trình vượt hàng chục km đường rừng từ khu vực sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 đến thủy điện Rào Trăng 4.
Khuôn mặt đầy vết thương, anh Thoàn kể, những ngày trước khi gặp nạn, ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 mưa như trút nước. Để đảm bảo an toàn, mọi người chia nhau thành nhiều tốp trú ẩn trong khu vực nhà kỹ thuật và một số lán trại nơi đồi núi cao ráo.
Khuôn mặt nhiều vết trầy xước của anh Hồ Văn Thoàn |
“Khuya 11/10, tôi cùng 6 anh em khác đang ngủ trong lán trại, còn một tốp 17 anh em khác ngủ tại nhà điều hành thủy điện. Đang ngủ, tôi nghe một tiếng nổ vang trời. Ngay sau đó, hàng tấn bùn, đất đá từ khắp nơi đổ về, san phẳng lán trại. Cảnh tượng tan hoang, xung quanh tôi toàn bùn đất. Chúng tôi hét lớn gọi tên từng người thì một số người kêu cứu”, anh Thoàn kể lại.
Lúc này, anh Thoàn cùng một số người còn sống lao vào đống bùn đất kéo những người còn sống ra khỏi khu vực sạt lở. Lần lượt 7 người trong nhóm ngủ ở lán trại tìm thấy nhau.
“Người bị trầy xước, người bị thương, quần áo rách hết. Có người nước lũ cuốn xa lán trại hàng chục mét. Vừa tìm thấy nhau thì đợt sạt lở đất tiếp theo lại tràn đến. Lúc này cả nhóm chỉ biết cố sức chạy đến khu vực cao”, anh Thoàn nhớ lại.
Cõng nhau thoát khỏi "cửa tử"
Anh Thoàn nhìn lên nhà máy điều hành thủy điện thì không thấy gì nữa. Anh cố gọi to “Có ai không?” thì không ai trả lời. Một màu đen bao trùm tất cả.
“Nghe tiếng nổ lớn thì trận sạt lở đất liền ập đến, tôi bị đất đá cùng với thân cây đè xuống người. Thời điểm đối mặt với cõi chết, tôi may mắn được Thoàn kéo ra khỏi đống bùn đất”, ông Nguyễn Đình Minh (63 tuổi, quê Quảng Trị) bị thương nặng nhất trong nhóm 7 công nhân kể.
Cả nhóm thay nhau cõng người bị thương, nhai mì tôm tìm đường sống.
Ông Nguyễn Đình Minh kể lại vụ sạt lở |
Đêm đó, họ đội mưa chờ đến khi trời sáng, rồi lội đường ngập ngụa bùn đất đến đầu gối qua điểm sạt lở.
Ông Nguyễn Đình Minh và anh Hồ Văn Diêu (26 tuổi, trú Quảng Trị) bị thương không thể đi lại được 5 người còn lại thay nhau cõng băng qua 10km đường rừng hiểm trở để về thủy điện Rào Trăng 4.
“Trong lúc băng rừng ai cũng ướt sũng, người lạnh toát. Nhờ những gói mỳ tôm nhặt được, chúng tôi chia nhau cùng ăn để lót dạ, có sức để đi tiếp. Đi được hơn 10km, qua hàng chục điểm sạt lở đất, cả nhóm gặp một ô tô của thủy điện đang đi vào Rào Trăng 4.
Vì đường sạt lở nên mọi người phải dừng lại, di chuyển bằng ghe. Đến sáng 13/10, mọi người tiếp cận được Thủy điện Rào Trăng 4 và được đoàn cứu hộ bên ngoài cứu vào sáng 14/10”, ông Minh kể.
Tối qua, lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế cho biết, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3. Thi thể công nhân tên Nghĩa (quê Thanh Hóa) đã được tìm thấy và đưa ra ngoài.