<div style="text-align: justify;"> <table align="center" class="imageBox"> <tbody> <tr> <td style="text-align: center;"><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2020/12/17/4a_sxqb.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p class="PCaption">Công nhân mong chờ thưởng tết (ảnh lớn) Ảnh: Ngô Bình</p> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <div style="text-align: justify;"><strong>Ở lại xóm trọ </strong></div> <div style="text-align: justify;">Khi dịch COVID-19 xảy ra, Công ty P.C VN (Đồng Nai) phải cắt giảm lao động. Là công nhân của công ty, chị Nguyễn Thị Loan phải nghỉ việc sau gần 20 năm làm việc tại doanh nghiệp này. Với mức trợ cấp hơn 100 triệu đồng, chị Loan chưa kịp làm gì cho sinh lợi, thì quê nhà ở miền Trung lũ lụt, chị phải gửi về một phần giúp bố mẹ. Chị tiếp tục nộp đơn xin làm công nhân ở một công ty khác và bắt đầu công việc mới ở tuổi 40, nhưng với chị, có việc làm mới cũng là điều may mắn.</div> <div style="text-align: justify;">“Tình hình sản xuất của công ty cũng mới phục hồi, tạo được công việc cho công nhân là tốt rồi. Còn mình mới làm việc lại được vài tháng nên không trông chờ gì vào lương thưởng tết”- chị Loan nói. Thu nhập hạn chế, lại không có thưởng nên chị Loan có kế hoạch ở lại ăn tết trong xóm trọ. “ Đã nhiều năm mình chưa về quê ở Nghệ An ăn tết và thăm bố mẹ. Năm nay, công ty cho vé xe về quê, nhưng khó khăn quá, đi lại cũng tốn kém, nên đành ở lại, dành thêm chút quà gửi bố mẹ”.</div> <div style="text-align: justify;"><span>Chị Trần Thị Hà, công nhân Công ty Y.P (KCN Loteco, Đồng Nai) nhớ lại, do dịch COVID-19, công ty phải hoạt động cầm chừng nên khuyến khích công nhân xin nghỉ việc và đối tượng được khuyến khích nghỉ thường là lao động lâu năm đang hưởng mức lương cao. Sau đó công ty dần phục hồi sản xuất và những tháng cuối năm tăng ca liên tục để hoàn thành các đơn hàng trong năm. Mặc dù vậy, chị không mong được thưởng tết như mọi khi vì công ty đang rất khó khăn.</span></div> <div style="text-align: justify;"><span>“Hàng năm công ty thưởng 1 tháng lương. Với người làm lâu năm như tôi, mức thưởng cũng được khoảng 15 triệu đồng, nhưng năm nay thì không dám nghĩ đến vì công ty còn khó khăn”- chị Hà cho biết, đồng thời bày tỏ, điều mong chờ của công nhân hiện nay là cần có một chút thưởng để gọi là khích lệ tinh thần chứ không mong được nhiều.</span></div> <div style="text-align: justify;"><span>Với những người mất việc, xem như mất Tết. “Năm nay tết cũng như ngày thường, vì tôi đã mất việc làm từ nhiều tháng nay” - chị Nguyễn Hồng Ly nói. Chị Ly quê ở Cà Mau, trước đây làm việc cho Công ty S.H (TP Biên Hòa). Ngay sau đợt dịch COVID-19 đầu tiên, công ty đã cho nhiều công nhân nghỉ việc, chị Ly cũng nằm trong danh sách đó. Nhận số tiền trợ cấp ít ỏi, chị Ly tằn tiện trang trải được trong 3 tháng. Đến nay chị vẫn chưa có công việc ổn định, cuộc sống của cả gia đình chị trông chờ vào công việc tự do của chồng. Cả gia đình tá túc trong căn phòng chật chội trong khu trọ cũ kỹ xuống cấp ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa.</span></div> <div style="text-align: justify;"><strong>Có việc làm là may rồi</strong></div> <div style="text-align: justify;"><span>Gần cả năm qua, chị Thanh Vy (nhân viên hướng dẫn viên du lịch ở Q.3, TPHCM) sống trong cảnh “ngồi chơi xơi nước”. “Công ty của mình chủ yếu dẫn tua khách ra nước ngoài. Từ lúc có dịch, biên giới đóng cửa, công ty hướng đến các tua nội địa nhưng rất khó khăn, đặc biệt khi có ca ngoài cộng đồng, tour tuyến đều đóng băng trở lại. Mình phải làm đủ nghề để kiếm sống từ dạy thêm, bán hàng online… Thế nên thưởng tết đối với mình là chuyện xa xỉ, chỉ mong được làm nghề du lịch trở lại” - Thanh Vy nói.</span></div> <div style="text-align: justify;"><span>Nhớ lại khoảng thời gian công ty phải hoạt động cầm chừng, công nhân chỉ làm việc 3 ngày/tuần, chị Trần Thị Hà (công nhân Công ty Y.P, KCN Loteco) vẫn còn ám ảnh. May mắn, công ty đã phục hồi sản xuất nhưng cũng rất khó khăn. “Mọi năm trông chờ thưởng Tết lắm. Nhưng năm nay không dám nghĩ đến. Bây giờ có việc làm đã may mắn lắm rồi” - chị Hà chia sẻ.</span></div> <div style="text-align: justify;"><span>Gặp chị Lê Thị Đào (công nhân Công ty PouYuen) trong căn phòng trọ đường số 57 (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TPHCM), chị buồn thiu khi có người hỏi về chuyện thưởng Tết: “Tôi làm ở xưởng in lụa, tuy chưa bị sa thải, mất việc như nhiều đồng nghiệp khác nhưng lương cũng giảm đáng kể. Vẫn còn việc làm lay lắt sống qua ngày đã là may mắn, vì vậy mình không dám kỳ vọng chuyện thưởng tết như mọi năm”.</span></div> <div style="text-align: justify;"><span>Nói rồi, chị nén tiếng thở dài và cho hay, người con trai lớn mất việc trong đợt COVID-19 vừa qua, nay đang rải hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng cũng chưa đâu vào đâu. “Tết này tôi dự tính ở lại, hy vọng kiếm được việc làm thêm để trả hết các khoản nợ nhà trọ trước đó” - chị Đào nói.</span></div> <div style="text-align: justify;"><span>Đến nhiều xóm trọ ở quận Bình Tân, Thủ Đức, Q.7… chúng tôi cảm nhận được bầu không khí trầm buồn, lặng lẽ bao trùm bởi hầu hết các căn phòng trọ khóa cửa im lìm. Bà Minh (ngụ xóm trọ gần khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TPHCM) cho hay: “Trước đây, công nhân bỏ về quê nhiều lắm do thất nghiệp. Bây giờ nhiều công ty tuyển dụng nên họ mới quay trở lại, nộp hồ sơ xin việc khắp nơi. Không còn ai nghĩ đến chuyện nghỉ tết, chơi lễ lúc này đâu. Chủ yếu là tìm việc làm để có tiền gửi về quê là mong muốn của tất cả công nhân nơi đây”.</span></div> <div style="text-align: justify;"><span>Hơn 21h, ông Hồ Văn Quý (70 tuổi, quê Cần Thơ) vẫn còn chong đèn chờ các con tăng ca về. Giục đứa cháu ngoại ôn bài để chuẩn bị thi học kỳ, ông Quý nén tiếng thở dài cho hay, gần cả năm qua, gia đình 4 người sống lay lắt chỉ bằng nguồn thu duy nhất từ con rể. “Con gái thất nghiệp, không ai thuê mướn gì nên ở nhà nhận sửa đồ, may vá nhưng tiền không bao nhiêu. Lương công nhân gần 10 triệu đồng của con rể chính là nguồn sống của cả gia đình, trong đó bao gồm cả tiền ăn học, thuê trọ… Lễ tết thì càng lo hơn vì lại phải nghỉ tết. Nghỉ làm đồng nghĩa với việc không có tiền, mà như vậy cuộc sống càng thêm chật vật” - ông Quý nói.</span></div> <div> <blockquote class="summarize cms-quote"> <p style="text-align: justify;"><strong>Tiền đâu mà về quê</strong></p> <p style="text-align: justify;">Quê Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Liên vào làm công nhân cho Công ty May mặc H.L ở Dĩ An (Bình Dương) nói: “ Chưa thấy công ty thông báo về chế độ lương, thưởng tết, do đó, tôi chưa dám nghĩ đến việc về quê ăn tết cùng gia đình. Tiền lương tháng nào tiêu hết tháng đó. Về quê phải có tiền chi tiêu, quà cáp cho người thân. Nếu không có tiền thưởng tết thì lương chỉ đủ vé tàu, xe về nên chẳng muốn về”.</p> <p style="text-align: justify;">Cùng hoàn cảnh, chị Đoàn Thị Út (quê Thừa Thiên - Huế) làm việc tại Công ty Giày Đài Loan (Thuận An, Bình Dương) cho biết thu nhập hàng tháng giảm còn một nửa so với trước dịch. “Với 3 đến 4 triệu đồng mỗi tháng, tiền lương chỉ đủ chi tiêu. Nếu cuối năm công ty không thưởng thì chẳng ai có tiền để về quê”, chị Út nói.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Hương Chi</strong></p> </blockquote> </div> <p class="article-author cms-author" style="text-align: justify;"> </p>