Trong 9 tháng năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 4,6%. Đây là mức tăng khá thấp so với mức tăng 12 - 14% của những năm gần đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 tác động nặng nề tới nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam, mức tăng trưởng trên vẫn được coi là một điểm sáng.
Một tín hiệu đáng mừng là trong 8 tháng đầu năm nhìn chung tăng trưởng khá thấp. Bắt đầu sang tháng 9, công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng rất tích cực. Tăng trưởng ấn tượng nhất là ngành sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 10,6% trong 9 tháng. Chế biến thực phẩm là ngành sử dụng nhiều lao động và xuất khẩu đáng kể, đặc biệt là chế biến, xuất khẩu tôm.
Các ngành khác có tốc độ tăng trưởng tốt trong tháng 9 như sản xuất giấy, các sản phẩm từ giấy; sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất những sản phẩm từ cao su, plastic, các sản phẩm điện tử, máy tính…
Theo báo cáo kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo trong tháng 9, có 82% doanh nghiệp dự kiến sẽ phát triển ổn định và tốt hơn trong 3 tháng cuối năm (43% doanh nghiệp dự báo tăng và 39% doanh nghiệp dự báo giữ ổn định). Khu vực doanh nghiệp FDI có tỷ lệ dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên và giữ ổn định ở quý 4/2020 cao nhất với 82,8%. Khu vực doanh nghiệp nhà nước với 81,7% và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 80,2% dự báo sẽ tăng trưởng tốt và ổn định.
Theo Tổng cục thống kê, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu những tháng cuối năm 2020 vẫn tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và Trung Quốc được kiểm soát tốt hơn, dự kiến trong quý 4, các đường bay quốc tế sẽ được nối lại. Giãn cách xã hội và lệnh hạn chế nhập cảnh sẽ được nới lỏng. Nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng trong thời gian tới. Ước tính, tỷ lệ tồn kho nguyên vật liệu của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong quý 4/2020 giảm 32,5% so với quý 3/2020.
Mức độ thiếu hụt nguồn nguyên liệu đối với ngành chế biến, chế tạo vào thời điểm này là không đáng lo ngại. Khối lượng sản xuất hiện nay không lớn, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do dịch covid-19 và tình hình giãn cách xã hội trên toàn thế giới chưa có dấu hiệu giảm. Do đó, nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu không quá cao.