Tránh những nội dung độc hại, nhảm nhí
Các kênh video, ví dụ YouTube là nguồn tài nguyên tốt, giúp trẻ em học tập và giải trí nhưng cũng chứa nhiều nội dung độc hại, đòi hỏi mức độ giám sát cao. Tuy nhiên, những video có nội dung nhảm nhí, không có tính năng giáo dục vẫn tràn ngập khắp các kênh. Mới đây, trên tài khoản TikTok của YouTuber Thơ Nguyễn đã đăng tải một clip khiến cư dân mạng phản ứng dữ dội. Cụ thể, trong clip này, Thơ Nguyễn đã cho búp bê uống nước ngọt để xin vía học giỏi cho các bạn nhỏ.
Bà Nguyễn Phương Linh, chuyên gia về Giáo dục trẻ em, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) cho biết, trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng đi đầu trong việc sử dụng công nghệ, nhưng cũng là đối tượng rất dễ bị tổn thương do chưa có đủ kiến thức, tư duy phản biện và các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân. Chúng ta đã từng dậy sóng với Cá voi xanh, hay Momo - tuy Momo sau đó đó được điều tra xác định chỉ là một trò chơi khăm, chứ không thật nhưng có một sự thật là các clip không lành mạnh, trá hình, xúi giục trẻ bạo lực, hay tự làm hại bản thân, kích động trẻ thử nghiệm những trò nguy hiểm không phải là hiếm.
Làm cha mẹ thời đại số, chúng ta không cấm được trẻ em thời kỳ công nghệ số sử dụng công nghệ nhưng cần nỗ lực nhiều hơn, để đồng hành và hành động để bảo vệ con em mình trẻ em trong thế giới kỹ thuật số. Điều cần làm đầu tiên đó là phụ huynh nên kiểm tra xem con mình đang xem kênh Youtube nào, nếu con xem Youtube, hãy đảm bảo con xem kênh Youtube Kids. Có thể cài đặt một Playlist các chương trình mà con thích xem và có thể bật chức năng kiểm soát của phụ huynh để có thể biết con đang xem gì và tìm kiếm gì, cũng có thể tắt chức năng tìm kiếm đối với trẻ nhỏ hơn. Không nên bỏ mặc còn cùng thiết bị một mình. Ngoài ra, thời lượng xem cũng rất đáng quan tâm, thực tế, trẻ dưới 7 tuổi chỉ nên xem clip không quá nửa tiếng.
Thiết lập an toàn trên không gian mạng
Theo KS phần mềm Nguyễn Văn Hòa, Công ty CP Công nghệ HC, có nhiều cách để kiểm soát nội dung mà trẻ em xem trên mạng bằng các thiết lập khá đơn giản. Chẳng hạn với máy tính, phụ huynh vào trang chủ Google, chọn phần cài đặt tìm kiếm trong cài đặt ở góc dưới bên phải và bật chế độ tìm kiếm an toàn. Trên YouTube, người dùng hãy ấn vào avatar của tài khoản để mở các tùy chọn và kéo xuống dưới chọn bật chế độ hạn chế (Restricted Mode on). Sau đó, người dùng có thể khóa tùy chọn thay đổi chế độ này nếu muốn.
Trên điện thoại, cha mẹ bắt buộc phải cài đặt hai ứng dụng là YouTube Kids và Google Family. Các bước cài đặt và thiết lập là khá đơn giản đồng bộ với tài khoản Google. Đây chính là tài khoản Gmail có thể dùng để đăng nhập trên các thiết bị từ smart TV đến smartphone.
Trong YouTube Kids, có 2 thiết lập đáng chú ý là khóa chức năng tìm kiếm video và chặn các video/kênh không phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc phụ huynh phải tự mình kiểm soát nội dung trên YouTube nếu không muốn phó mặc con mình xem video độc hại. Nếu không thể kiểm soát hết, cha mẹ có thể xem lại lịch sử xem video của con cái và chặn đi những video/kênh không phù hợp. Tương tự trên smart TV, cha mẹ cũng phải tải về ứng dụng YouTube Kids trên kho ứng dụng của tivi. Trường hợp tivi chưa hỗ trợ YouTube Kids, người dùng nên bật chế độ hạn chế và tắt chế độ tự động chạy (autoplay). Các thiết lập nâng cao của Google Family giúp kiểm soát hoàn toàn trẻ trong việc sử dụng điện thoại vào việc gì, ở đâu, trong bao lâu...
Trường hợp trẻ đã có điện thoại riêng và muốn quản lý, phụ huynh cần cài ứng dụng Google Family Link for parents trên máy mình và Google Family Link for children & teens trên máy trẻ. Việc cài đặt và quản lý này cũng tương tự như YouTube khi sử dụng tài khoản chính là Gmail để cha mẹ phân quyền cho con cái. Tuy có các biện pháp công nghệ để kiểm soát song theo các chuyên gia, việc đồng hành. theo dõi trực tiếp các nội dung của trẻ vẫn rất cần thiết.