Định danh các điểm phong tỏa, vùng cách ly
Anh Lê Yên Thanh, Công ty CP giao thông thông minh Busmaps cho biết, ngoài các công nghệ áp dụng để chống dịch như bản đồ số CovidMaps thì sử dụng hệ thống thông tin địa lý có rất nhiều ưu điểm. Hệ thống thông tin địa lý GIS (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Geographic Information Systems) là một công cụ tập hợp những quy trình dựa trên máy tính để lập bản đồ, lưu trữ và thao tác dữ liệu địa lý, phân tích các sự vật hiện tượng thực trên Trái Đất, dự đoán tác động và hoạch định chiến lược. Công nghệ này hiện nay rất phổ biến ở Việt Nam, nền tảng để phát triển công nghệ cũng đã sẵn sàng. Chỉ cần đưa dữ liệu vào chạy là cho ra kết quả có thể ứng dụng tốt trong phòng chống dịch Covid-19.
GIS cung cấp các công cụ mô hình hóa và lập bản đồ y tế cộng đồng để theo dõi và giám sát dịch bệnh. Bản đồ cung cấp thông tin chuyên sâu cần thiết để lập kế hoạch và ứng phó trong môi trường thay đổi nhanh chóng và giúp làm chậm sự lây lan. Để lập được bản đồ, cần thu thập dữ liệu thời gian thực về các ca nhiễm, địa điểm xét nghiệm, cơ sở y tế, sau đó trực quan hóa dữ liệu bằng bản đồ. Phân tích dữ liệu ca bệnh, năng lực giường bệnh và tài nguyên cũng như tính di động của cộng đồng.
Mới đây Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý (GIS) TPHCM thuộc Sở KH&CN TPHCM đã xây dựng và chuyển giao 2 ứng dụng công nghệ GIS cho TP Thủ Đức để hỗ trợ quản lý dịch bệnh và mua sắm trực tuyến. Ứng dụng giúp các cơ quan thuận tiện hơn trong việc quản lý dịch bệnh; còn người dân có thể biết được tình hình dịch bệnh trên địa bàn mình sinh sống, làm việc, để có biện pháp bảo vệ, phòng dịch. Ứng dụng này hoàn toàn có thể triển khai dễ dàng ở tất cả các địa phương có dịch Covid-19 với chi phí thấp.
Người dân Thủ Đức chỉ cần vào địa chỉ https://thuduc-covid.hcmgis.vn/) để cập nhật tổng số ca dương tính, điểm dịch tễ, vùng cách ly, điểm phong tỏa… Bản đồ các lớp dữ liệu hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19: ranh giới khu phố, ranh giới phường, hệ thống cơ sở y tế, các điểm tập trung đông người, diễn biến dịch bệnh, sơ đồ lây nhiễm…
Tìm mua thực phẩm gần nhất qua ứng dụng
“Ứng dụng công nghệ GIS hỗ trợ người dân mua sắm trực tuyến” (tại địa chỉ https://thuduc-muasam.hcmgis.vn), với các nội dung cơ bản gồm: Định vị, cập nhật dữ liệu hơn 400 chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP Thủ Đức... Người dân sau khi truy cập vào ứng dụng trên máy tính hoặc điện thoại di động, ứng dụng sẽ tự động xác định vị trí người dùng trên bản đồ và liệt kê 20 địa điểm mua sắm gần nhất (cửa hàng tiện lợi, siêu thị, chợ). Các địa điểm mua sắm được sắp xếp và đánh số thứ tự theo khoảng cách ước tính từ vị trí của người dùng. Đối với các địa điểm mua sắm có hỗ trợ đặt hàng trực tuyến, sẽ có thêm thông tin: số điện thoại, thời gian hoạt động, hình thức giao hàng trực tuyến. Người dùng có thể sử dụng chức năng “Chỉ đường” để tìm kiếm đường đi ngắn nhất đến địa điểm mua sắm trên Google Maps.
Anh Lê Yên Thanh cho biết, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, người dân TPHCM cũng có thể tìm địa điểm xe thực phẩm lưu động trên ứng dụng BusMap trên smartphone hoặc truy cập website https://map.busmap.vn/hcm. Khi bấm vào, bản đồ sẽ hiển thị thông tin của xe buýt này, gồm vị trí trong ngày, trạng thái hoạt động, tên và số điện thoại của người phụ trách xe và đơn vị cung cấp. Người dùng có thể tìm đường từ nhà đến vị trí của xe bằng tính năng chỉ đường tích hợp sẵn trên BusMap. Hiện tại, các xe này thường đỗ mỗi ngày một vị trí để phục vụ người dân khắp thành phố.
Ngoài ra, người dân có thể sử dụng các ứng dụng khác để tìm điểm bán thực phẩm như ứng dụng “Mua sắm an toàn” hay ứng dụng bản đồ số diembanhangthietyeu.com. Bằng cách tích hợp với bản đồ của Google với bản đồ số Việt Nam, tích hợp công nghệ GIS cho phép người dùng có thể tra cứu gần 3.000 cửa hàng đang mở bán các nhu yếu phẩm thiết yếu dưới dạng bản đồ. Mỗi cửa hàng đều có thông tin về địa chỉ, thời gian mở cửa, đường dây nóng, cách thức đặt hàng trực tuyến. Bản đồ cũng cho phép người dùng tìm đường đến các cửa hàng gần mình. Đây là những ứng dụng thiết thực đảm bảo giãn cách phòng dịch, tránh tiếp xúc đông người.