Công nghệ “đọc não”: Phát hiện sớm bệnh Alzheimer

Sử dụng thuật toán phát hiện khối u chỉnh sửa, các nhà khoa học Anh đã tạo ra công nghệ "đọc não" mới có thể phát hiện một người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London (Anh), đã sử dụng một thuật toán, vốn đang được dùng để phát hiện các khối u ung thư và chỉnh sửa lại nhằm ứng dụng vào phát hiện sớm bệnh Alzheimer.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 400 bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu hoặc giai đoạn cuối. Họ đã sử dụng công nghệ trên để quét não.

Bộ não con người được chia thành 115 vùng và hơn 600 tính năng cần được quét, như kích thước, hình dạng và kết cấu của mỗi phần.

Sử dụng máy MRI mà đa số bệnh viện ở các nước phát triển đang có, các nhà nghiên cứu đã tiến hành quét não các tình nguyện viên và ứng dụng máy "đọc não".

_benh-alzheimer.max-1800x1800.jpg
Công nghệ “đọc não” giúp phát hiện sớm bệnh Alzheimer . (Ảnh minh họa)

Kết quả, máy "đọc não" xác định chính xác trường hợp mắc bệnh Alzheimer trong 98% số lần quét não của người tham gia. Trong gần 80% các lần quét, nó có thể biết được người đó mắc bệnh Alzheimer giai đoạn cuối hay giai đoạn đầu.

TS Paresh Malhotra - một nhà thần kinh học cho biết: "Mặc dù các nhà thần kinh học nói rằng quét MRI để giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer, nhưng vẫn có những ảnh quét không thể nhìn thấy được, ngay cả đối với các bác sĩ chuyên khoa".

"Sử dụng một thuật toán có thể chọn kết cấu và các đặc điểm cấu trúc tinh tế trong não bị ảnh hưởng bởi bệnh Alzheimer giúp nâng cao chất lượng thông tin chúng ta có thể thu được từ các kỹ thuật hình ảnh tiêu chuẩn" – TS Malhotra khẳng định.

Việc phát hiện sớm bệnh Alzheimer cho phép bắt đầu việc điều trị sớm hơn, giúp bác sĩ có nhiều thời gian hơn để lập kế hoạch cách tiếp cận điều trị và thậm chí cho phép bản thân bệnh nhân lập kế hoạch cho tương lai trong khi trí óc của họ còn minh mẫn.

Trong khi công nghệ "đọc não" mới vẫn đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm song các nhà nghiên cứu đặt kỳ vọng rằng nó sẽ được ứng dụng rộng rãi trong vòng vài năm tới.

Hiện tại không có phương pháp chữa trị bệnh Alzheimer dứt điểm hay các phương pháp điều trị ngoài kiểm soát các triệu chứng sau đó ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Theo Hiệp hội Alzheimer, hơn 6 triệu người Mỹ đang sống chung với bệnh Alzheimer và đây là một trong những căn bệnh giết người hàng đầu của những người trên 65 tuổi.

Phát hiện sớm bệnh Alzheimer vẫn có giá trị. Một người biết rằng họ có thể sớm bắt đầu mất trí nhớ nhằm chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống sau này.

Theo Đời sống
back to top