Công nghệ điều hòa không khí thu hồi nhiệt

(khoahocdoisong.vn) - Công nghệ điều hòa không khí thu hồi nhiệt là công nghệ gì, ứng dụng ra sao?

Hỏi: Công nghệ điều hòa không khí thu hồi nhiệt là công nghệ gì, ứng dụng ra sao?

Nguyễn Hồng Minh (Hà Nội)

PGS.TS Lê Nguyên Minh, Hội KHKT Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam: Hiện nay, đa phần nguồn nhiệt từ thiết bị ngưng tụ của các loại máy lạnh đều thải ra môi trường. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước nóng phục vụ sinh hoạt của con người là rất lớn. Để tiết kiệm năng lượng, công nghệ điều hòa không khí thu hồi nhiệt sử dụng để sản xuất nước lạnh cung cấp cho hệ thống điều hòa không khí, đồng thời có thu hồi một phần nhiệt thải ra từ môi chất lạnh trong bình ngưng làm tăng nhiệt độ của nước (40 ÷ 45) độ C qua quá trình trao đổi nhiệt.

Hiện nay, hàng chục triệu hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng điều hòa nhiệt độ, nếu chúng ta chú ý phát triển tốt loại máy điều hòa không khí thu hồi nhiệt (đun nước nóng miễn phí) cho 5% số hộ gia đình trong số này thì có thể giảm được trên hàng triệu kW điện lắp đặt khi sử dụng hàng triệu bình đun điện như hiện nay. Đây là công suất tương đương với việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có tổng chi phí đầu tư 1,6 tỷ USD.

Với mức tăng trưởng hàng năm cao hơn 20% chúng ta cần tập trung nghiên cứu để có thể sản xuất những sản phẩm điều hòa không khí có chỉ số COP cao, tính năng đơn giản, bền vững, phụ kiện lắp đặt đồng bộ. Đặc biệt, cần nghiên cứu phát triển loại máy điều hòa không khí thu hồi nhiệt để giảm chi phí điện năng cho nhu cầu đun nước nóng từ 1 ÷ 2kWh/người.ngày, từ đó có thể tiết kiệm được hàng chục triệu kWh/ngày so với sử dụng bình đun điện thông thường.

Khả năng thu hồi nhiệt của hệ thống máy lạnh thực tế đạt được gần 38%, nguồn năng lượng này dùng để cung cấp nước nóng thay vì phải sử dụng điện trở hoặc nguồn năng lượng khác. Việc ứng dụng máy lạnh để sản xuất nước lạnh phục vụ cho nhu cầu điều hòa không khí kết hợp với cung cấp nước nóng ngày càng được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả rất lớn cho xã hội, đặc biệt trong việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng điện và góp phần bảo vệ môi trường.

Theo Đời sống
back to top