Thành bại chỉ trong tích tắc
Không cạnh tranh được với Zara, HM, hệ thống showroom thời trang cao cấp MYM đã phải đóng cửa vào cuối tháng 7 vừa qua. 3 năm qua, MYM tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm thời trang với 2 xưởng sản xuất lớn, máy móc hiện đại cùng hệ thống hơn 20 showroom cao cấp. Có giai đoạn, MYM đã đứng trong Top 10 Đông Nam Á về sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thời trang cao cấp xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu... Dù được quản trị bởi doanh nhân đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh bán lẻ (sở hữu chuỗi siêu thị Maximark nổi đình đám ở TPHCM), nhưng kinh nghiệm ấy cũng không cứu vãn được MYM.
MYM chỉ là một trong hàng loạt thương hiệu bán lẻ buộc phải rút lui trong thời gian gần đây, cùng với các thương hiệu khác như Shop&Go, Auchan.... Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: từ năm 2013 đến nay, làn sóng mua bán – sáp nhập (M&A) trong ngành bán lẻ diễn ra mạnh mẽ. Nhiều thương vụ quy mô lớn, điển hình như vụ mua lại Metro Cash & Cary Việt Nam (gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro) và Big C Việt Nam (32 siêu thị/đại siêu thị)... trị giá 1,14 tỷ USD.
“Người tiêu dùng trong nước cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước, điển hình là Tập đoàn VinGroup đã triển khai hoạt động M&A với các chuỗi bán lẻ nổi tiếng VinatexMart, OceanMart, Fivimart; Tập đoàn BRG mua Intimex and Hapro; SaigonCoop mua chuỗi Auchan (Pháp)… Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn M&A trong khu vực và chắc chắn ngành bán lẻ sẽ vẫn là một trong những ngành thu hút dòng vốn từ M&A nhiều nhất”.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, hệ thống phân phối – bán lẻ Việt Nam đang diễn ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, dẫn đến 4 xu thế phát triển. Xu hướng thứ nhất là mua bán sáp nhập liên doanh, liên kết hình thành những tập đoàn bán lẻ mạnh như: Central Groups và TTC của Thái Lan đối với Metro, Big C, Nguyễn Kim; Vingroup đối với Fivimart và Shop & Go, Saigon Coop với Auchan… Xu hướng thứ hai là tạo trải nghiệm đa dạng, phong phú cho khách hàng bằng những trung tâm mua sắm, giải trí… sử dụng nền tảng công nghệ kỹ thuật số và thiết bị di động như các trung tâm Vincom Mega Mall, Aeonmall…
Xu hướng thứ ba là xây dựng các trung tâm thu mua hàng hóa nông sản thực phẩm ở các vùng miền được các tập đoàn bán lẻ nhắm tới vừa quản lý được chất lượng đầu vào, vừa giảm chi phí vận chuyển tạo đầu ra với giá cả cạnh tranh…
Xu hướng thứ 4 là bán hàng đa kênh. Đây là xu hướng bán lẻ tạo sự thay đổi nhanh nhất. 70% dân số Việt Nam sử dụng các thiết bị di động, với sự phát triển như vũ bão của cộng nghệ số và trí tuệ nhân tạo Al, Big Data… việc bán hàng qua mạng trở nên dễ dàng, phổ biến với các đơn vị bán lẻ và người tiêu dùng.
Cuộc đua mới chỉ bắt đầu
Theo nhà nghiên cứu kinh tế Vũ Vinh Phú, hiện nay ở Việt Nam, hệ thống phân phối và ngành bán lẻ nội địa đã đóng góp khoảng 15% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người, với thị trường gần 100 triệu dân, tổng mức tiêu dùng đạt khoảng 70%/năm. Đặc biệt, trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, các thành phần kinh tế đều có mặt trong hệ thống phân phối nội địa. Vì vậy, sự cạnh tranh trong giai đoạn này ngày càng mạnh mẽ.
Nhận định về thị trường bán lẻ, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn của Savills Hà Nội cho rằng, sự cạnh tranh mới đang chỉ bắt đầu. Việc các doanh nghiệp lớn thời gian qua mở rộng kinh doanh về các tỉnh thành lớn và thâu tóm các thương hiệu nhỏ lẻ là minh chứng cho điều này.
Theo bà Hằng, câu chuyện thành bại của một doanh nghiệp bán lẻ nằm ở chiến lược kinh doanh, bên cạnh đó là tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại. Cũng không loại bỏ hướng đi tích hợp hệ sinh thái bán lẻ hoặc kết hợp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa sự phát triển, tận dụng thế mạnh của cả 2 bên.
Chuyên gia của Savills cho rằng, cạnh tranh dự kiến sẽ còn khốc liệt hơn bởi sau một thời gian dài tìm hiểu thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động lớn đến ngành bán lẻ Việt Nam. Nếu như trước đây người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể mua sắm ở các cửa hàng, sạp hàng hiện hữu tại kênh bán lẻ truyền thống cũng như bán lẻ hiện đại thì nay, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình qua các cửa hàng hiện hữu, đa kênh và trực tuyến. Chính vì vậy, xu hướng thương mại điện tử tiếp tục có vai trò ngày càng tăng trong ngành bán lẻ.
Nói về thực trạng hệ thống bán lẻ hiện nay, ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, tất cả các siêu thị đều lỗ, các cửa hàng tiện ích càng lỗ, thương mại điện tử cũng lỗ, doanh nghiệp lớn thì lỗ vài ngàn tỉ đồng, doanh nghiệp nhỏ thì vài trăm tỉ đồng. Lỗ là do các chuỗi siêu thị đang phải chấp nhận bán hàng giá thấp, thậm chí lỗ do sức ép của việc bị tồn dư hàng hóa khi nguồn cung đa dạng và dồi dào.
Theo các chuyên gia cuộc chiến khốc liệt mới chỉ bắt đầu. Muốn phát triển bền vững hệ thống phân phối trong xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành bán lẻ cần phải có quy hoạch phát triển mạng lưới, điều kiện hạ tầng; tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống phân phối cả nước.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải hết sức quan tâm tới hệ thống phân phối – bán lẻ, bởi đây là động thái tích cực, góp phần giải quyết đầu ra của sản xuất và của tiêu dùng xã hội.