Theo đó, nhằm đảm bảo việc công khai số liệu được chính xác, Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, xác nhận số liệu giải ngân vốn nước ngoài của Chính phủ tính đến ngày 15/9/2019. Trong trường hợp có sai số khác cần có văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính để xác minh, điều chỉnh trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày công bố.
Quá thời hạn quy định, nếu các bộ, ngành, địa phương không có ý kiến đề nghị điều chỉnh bằng văn bản kèm theo căn cứ xác thực được Bộ Tài chính chấp nhận, thì các số liệu đã công bố này được coi là căn cứ chính thức để tiếp tục công khai tiến độ giải ngân trong thời gian từ ngày 16/9/2019 đến hết năm 2019.
Các Bộ, ngành, địa phương có số giải ngân thấp nhất phải giải trình lý do và đề xuất biện pháp thúc đẩy giải ngân.
Đồng thời, bắt đầu từ ngày 15/10, Bộ Tài chính sẽ thực hiện chế độ báo cáo nhanh 15 ngày về giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ, chi tiết đến từng bộ, ngành, địa phương. Cơ sở để lập các báo cáo này căn cứ số liệu giải ngân các bộ, ngành, địa phương gửi về tại thời điểm ngày 15/9, cộng số phát sinh giải ngân đã được Bộ Tài chính chấp thuận ký đơn rút vốn gửi nhà tài trợ trong kỳ. Riêng đối với phương thức giải ngân qua tài khoản đặc biệt chỉ tính các đơn rút vốn hoàn vốn đã chi tiêu từ tài khoản đặc biệt.
Các báo cáo giải ngân 15 ngày cuối tháng sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp kèm theo đánh giá và phân tích một số trường hợp điển hình giải ngân kém, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác, gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn và chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.