Công dụng bất ngờ của lá khế, nhiều người chưa biết

Ngoài quả, các bộ phận khác của cây khế có thể dùng để chữa bệnh như lá, thân, rễ, hoa. Người ta sử dụng lá khế tươi hoặc sấy khô, vỏ thân cây và rễ sao vàng dùng làm thuốc.

Gia đình tôi có một cây khế trên sân thượng cho thu hoạch rất nhiều quả. Thỉnh thoảng, tôi cắt tỉa lá cây và được người quen mách dùng lá làm trà uống hằng ngày. Xin chuyên gia cho biết cách sử dụng loại lá này như thế nào để tốt cho sức khỏe. Tôi cảm ơn.

(Nguyễn Thị Vân - Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội tư vấn:

Khế là cây nhiệt đới trồng ở nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam, có nhiều dinh dưỡng và giá trị chữa bệnh. Quả khế được chứng minh có công dụng giảm mỡ máu, phòng chống ung thư do chứa chất chống oxy hóa, tốt cho cơ quan tiêu hóa.

Ngoài quả, các bộ phận khác của cây khế có thể dùng để chữa bệnh như lá, thân, rễ, hoa. Người ta sử dụng lá khế tươi hoặc sấy khô, vỏ thân cây và rễ sao vàng dùng làm thuốc.

Lá và hoa khế đều có tác dụng cho sức khỏe. Ảnh: Phương Thúy.

Theo y học cổ truyền Việt Nam, quả khế vị chua và ngọt, tính bình có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt.

Lá khế có vị chua chát, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, trị mụn nhọt, lở loét, mề đay, dị ứng, cảm nắng, ho. Các bài thuốc được ghi chép lại trong Đông y như:

- Chữa cảm nắng: Dùng khoảng 100g lá khế bánh tẻ tươi, 40g lá chanh tươi, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống. Bã đắp vào thái dương và gan bàn chân. Hoặc lấy một quả khế già chưa chín, nướng qua, sắc nước uống.

- Chữa dị ứng, mẩn ngứa: Dùng 20g lá khế tươi nấu nước uống hoặc dùng lá tươi nấu nước tắm hằng ngày giúp giảm tình trạng ngứa, mề đay, dị ứng. Trẻ nhỏ dùng lá khế tắm ngừa rôm, mụn nhọt.

Lá khế còn có tác dụng phòng bệnh sốt xuất huyết. Theo các bài thuốc trong Đông y, bạn có thể dùng lá khế sắc với lá dâu, lá tre, mã đề, sinh địa chắt lấy nước uống hằng ngày trong thời gian địa phương có dịch bệnh sốt xuất huyết.

Hoa khế có vị chua chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận phế, trừ ho, chỉ khát và bổ thận sinh tinh. Dùng hoa khế chữa ho khan, ho có đờm cùng với gừng. Thân và rễ cây khế có vị chua chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, trừ ho, điều trị đau khớp, đau đầu mạn tính và viêm dạ dày.

Lương y Đỗ Minh Tuấn - thành viên Hội Đông y Việt Nam tư vấn thêm:

Trong Đông y, lá khế được dùng khá phổ biến. Ngoài các tác dụng trên, người dân có thể dùng lá khế và mật ong giúp mát gan, thanh lọc độc tố.

Bạn có thể tham khảo công thức trà lá khế chua như sau:

Nguyên liệu

- 1 nắm tay lá khế chua bánh tẻ

- 1/2 quả khế chua

- Mật ong.

Cách làm

- Lá khế rửa sạch vò nát.

- Quả khế làm sạch, thái lát.

- Cho nguyên liệu vào đun cùng 1 lít nước, sôi 5 phút thì đun nhỏ lửa thêm 10 phút rồi bỏ bã, để nguội.

- Thêm 1 thìa mật ong, uống hết trong ngày.

Uống 7 ngày, nghỉ 1 ngày, làm liên tục 3 liệu trình như vậy để cảm nhận hiệu quả.

Trà lá khế phù hợp với người thường gặp vấn đề về gan, thận như chán ăn, mệt mỏi, người hay mổi mẩn ngứa, mề đay, dị ứng thời tiết.

Theo Đời sống
back to top