Chiều 19/1, tại Bộ Y tế, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đã chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, văcxin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế.
Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2020 – 31/12/2021. Khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ trên. Thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc thực tế (trừ ngày nghỉ lễ theo quy định, ngày nghỉ do thực hiện quy định về phòng, chống dịch).
Đoàn Thanh tra gồm 14 thành viên do ông Diêm Đăng Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hoá, xã hội (Vụ III - TTCP) làm Trưởng đoàn.
Ông Trần Văn Minh yêu cầu Đoàn thanh tra trong quá trình làm việc tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị; thực hiện nghiêm túc các nội dung được phê duyệt, đảm bảo đúng thời gian và nguyên tắc hoạt động Đoàn thanh tra; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, đảm bảo 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cùng với đó, quán triệt thực hiện đúng quy định về kỷ luật phát ngôn và bảo mật thông tin.
Về phía Bộ Y tế, Phó Tổng TTCP Trần Văn Minh đề nghị, Lãnh đạo Bộ Y tế giao một đầu mối cố định để làm việc với Đoàn, tạo điều kiện thuận lợi giúp Đoàn Thanh tra làm việc hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trước đó, trung tuần tháng 12/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục C03 - Bộ Công an) phát hiện vụ bê bối cực lớn liên quan đến việc mua sắm kit xét nghiệm COVID -19 tại nhiều địa phương, có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ KH&CN.
Đến nay, C03 đã khởi tố 19 bị can có liên quan đến các tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa và nhận hối lộ”.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 4/2020 đến nay, Công ty Việt Á đã cung cấp sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 cho các bệnh viện, CDC 62/63 tỉnh, thành phố với doanh thu khoảng 4.000 tỉ đồng.
Để bán được nhiều sản phẩm, Phan Quốc Việt và lãnh đạo Công ty Việt Á có chủ trương câu kết với lãnh đạo CDC hoặc các cơ sở y tế nhằm “thông thầu”, nâng giá sản phẩm cao hơn so với thực tế. Đổi lại, Công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho bên mua, có nơi lên tới 20%.