Theo nhiều người chơi có kinh nghiệm lâu năm về các dự án trong thị trường tiền điện tử, đồng coin DRK thực chất chỉ là một token ERC-20 được tạo ra trên mạng Blockchain của Ethereum. Và việc tạo ra những đồng token tương tự như thế này được cho là khá dễ dàng với những ai hiểu về công nghệ.
Tiếp thị đa cấp - trả hoa hồng cao
Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, anh N.V. Đức (một người có kinh nghiệm lâu năm về tiền điện tử) cho biết, việc tạo ra một token là rất dễ dàng, đã có nhiều nhóm cả trên thế giới và Việt Nam đã tận dụng được kẽ hở này. Họ tự tạo ra các token của riêng mình và bày ra chiếc bánh vẽ về tiềm năng tăng giá khủng. Sau đó sử dụng các hình thức quảng bá, đặc biệt là tiếp thị đa cấp, chi hoa hồng khủng cho hệ thống để thu hút nhà đầu tư.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án DRK cũng sử dụng hình thức tiếp thị đa cấp, trả thưởng nhiều tầng để thu hút nhà đầu tư, khuyến khích họ tuyển thành viên mới. Đây là điểm khá tương đồng trong những dự án tiền điện tử theo mô hình Ponzi đã sụp đổ và cuốn theo hàng tỷ đồng của nhà đầu tư Việt.
Dự án DRK của Kao vân trả hoa hồng theo mô hình đa cấp.
Để lôi kéo nhiều người vào hệ thống, Kao Vân cũng như BGC (văn phòng do Huỳnh Đức Vân đứng đầu) đã tổ chức nhiều hội thảo để giới thiệu rầm rộ về DRK với lời hứa đầu tư chắc chắn sẽ có lời: Khi giới thiệu được các nhà đầu tư khác, thì nhà đầu tư F0 ban đầu sẽ nhận được tiền hoa hồng khá hậu hĩnh, khi chi trả hoa hồng 9 tầng, lúc đó nhà đầu tư chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng”.
Chính mức lợi nhuận khủng kèm hoa hồng cao, đã trở thành chiếc bẫy khiến nhiều nhà đầu tư sa lưới. Đáng nói hơn, có nhiều người cao tuổi, đã về hưu cũng lôi kéo gia đình bạn bè vào hệ thống, để rồi tiền thì mất mà tình cảm gia đình cũng đi theo.
Giam coin của nhà đầu tư - giá tăng nhưng không thể bán?
Khi nhà đầu tư bỏ tiền mua 1 gói DRK (gói tối thiểu là 0,1 BTC) và số coin này được trả dần về tài khoản của nhà đầu tư theo lộ trình dự án này đưa ra là 365 ngày. Nhưng khi nhà đầu tư muốn rút số DRK được trả để bán thì số coin còn lại sẽ tiếp tục chia đều cho 430, ở lần rút tiếp theo thì số coin còn lại sẽ được chia cho 600 ngày… Và con số vẫn cứ tiếp tục tăng nếu nhà đầu tư rút DRK ra để bán thu hồi gốc ban đầu.
Đáng nói hơn, nhà đầu tư không nhận được bất kỳ thông tin nào, khi toàn bộ số coin được trả từ dự án đột nhiên bị cho vào stake (giữ coin và không hoàn trả), để nhận lãi nhỏ giọt hàng ngày. Điều này đồng nghĩa với việc dự án trả coin về bao nhiêu, số coin đó lại lập tức quay về nơi đã sinh ra nó.
Ở thời điểm giá DRK được bơm thổi lên trên 0,2USD/DRK, nhà đầu tư cũng chỉ đành đứng ngoài “nuốt nước bọt” khi toàn bộ số coin của họ đã bị tự động khóa, chẳng thể mua bán hay làm gì khác.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, chính vì tự động bị giam coin mà họ không thể thanh khoản được khi giá lên. Giá có lên nữa họ cũng không lấy đâu ra coin, vì toàn bộ coin của họ đã tự động bị đưa vào stake mặc dù không có sự đồng ý nào từ chính họ.
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra vô cùng thất vọng và bức xúc nhưng cũng không biết kêu ai. Họ nghi ngờ có sự lừa đảo rất tinh vi ở dự án này. Khi một vòng tròn khép kín được tạo ra. Tiền nhà đầu tư bỏ vào là thật, còn đồng coin DRK mà nhà đầu tư nhận được bằng một cách nào đó lại quay về với chủ cũ trong sự bất lực của những nhà đầu tư.
Hoạt động kinh doanh đa cấp phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, mọi hình thức đa cấp biến tướng nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản của người tham gia đều bị pháp luật nghiêm cấm. Đối với trường hợp dự án tiền điện tử, Cơ quan điều tra có thể điều tra làm rõ việc các đối tượng có đưa ra những thông tin gian dối để người tham gia đóng góp tiền vào dự án dưới hình thức các đồng tiền kỹ thuật số, sau đó chiếm đoạt tiền của những người tham gia thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015; hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để chiếm đoạt tài sản theo điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt lên tới 20 năm tù.
Luật sư Vũ Nguyệt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)