Vừa qua, TTYT huyện Đầm Hà đã tiếp nhận bệnh nhân D.T.P.L 21 tuổi (tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) đến khám tại phòng khám số 6 vì lý do có dị vật ngọ nguậy trong lỗ mũi, có máu chảy ra.
Tại phòng khám, bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng đã tiến hành Nội soi mũi phát hiện 01 con vắt bên trong. Sau 05 phút thực hiện thủ thuật con vắt đã được lấy ra khỏi mũi bệnh nhân. Không có bất thường khác được tìm thấy trong hốc mũi. Sau khi thực hiện thủ thuật xong, bệnh nhân ổn định và được cho về nhà ngay.
Hình ảnh Nội soi mũi bệnh nhân. Ảnh BVCC |
Bác sĩ Nguyễn Đức Tuyến, chuyên khoa Tai Mũi Họng cho biết: Trung tâm đã ghi nhận các ca bị côn trùng, ký sinh trùng chui vào đường tai và mũi, chủ yếu được phát hiện trong mùa hè. Do người dân du lịch tới các miền hoang sơ, sinh hoạt và nằm ngủ ở nơi nhiều cây cối, tắm ao, tắm suối…vắt thường chui vào cơ thể người thông qua việc uống nước suối, hoặc bơi lội, ngồi, nằm ở địa điểm đỉa sinh sống. Đỉa, vắt khi mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thường có kích thước nhỏ, nhưng khi vào cơ thể một thời gian ngắn, chúng sẽ hút máu và phát triển rất nhanh.
Hình ảnh con vắt sau khi được gắp ra khỏi mũi bệnh nhân. Ảnh BVCC |
Nguy hiểm nhất nếu vắt ký sinh ở khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong. Nếu vắt nằm trong mũi, ở các ngách khe sẽ trở thành dị vật gây phù nề, xuất tiết tắc nghẽn dẫn đến viêm mũi xoang. Nếu để lâu ngày, vắt ký sinh và hút máu dẫn đến tình trạng chảy máu mũi dai dẳng, gây thiếu máu mạn tính.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo mọi người ở vùng núi rừng ẩm ướt nơi có nhiều vắt, hoặc tắm sông, suối về nếu có chảy máu mũi hoặc ho kéo dài nên soi tai, mũi, họng hoặc phế quản để loại trừ vắt. Các gia đình cần cảnh giác với tình trạng đỉa/vắt chui vào ký sinh trong cơ thể.
Do đó, người dân không nên bơi lội, tắm hay uống nước tại khe suối hoặc môi trường nước không an toàn. Khi có các dấu hiệu bất thường, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời.