Cố tình nhiễm Omicron để tạo miễn dịch lai là hành vi nguy hiểm

Nhiều người Mỹ cố tình nhiễm Omicron để có kháng thể từ văcxin và virus, nhưng các chuyên gia khuyến cáo, đây là hành vi nguy hiểm do nCov rất khó lường.

Theo New York Times, Mỹ hiện ghi nhận gần 800.000 ca mắc mới mỗi ngày, phần lớn do biến chủng Omicron đang lây lan nhanh. Số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn vì rất nhiều bệnh nhân không báo cáo. Dù nhiều F0 đang hồi phục, Omicron vẫn gây ra rủi ro cho người chưa tiêm chủng, tạo áp lực lớn lên bệnh viện và nhân viên y tế.

Nhiều người được tiêm 2 hoặc 3 liều văcxin tự cho phép mình chủ quan, để lây nhiễm Omicron vì cho rằng, nhiễm virus sẽ thúc đẩy hệ miễn dịch trong thời gian ngắn. Các nhà khoa học gọi đây là "miễn dịch lai" - sự kết hợp của kháng thể từ văcxin và cả nhiễm virus đột phá.

Theo các chuyên gia, hiện tượng này mặc dù tạo thêm một lớp bảo vệ chống virus, song người dân cần thận trọng, bởi độ bền kháng thể thay đổi tùy vào thể trạng từng người và có thể suy yếu theo thời gian.

Shane Crotty, nhà virus học tại Viện Miễn dịch La Jolla cho biết: "Đây là loại miễn dịch hiệu quả nhất. Nhưng tôi không cho rằng nó có thể ngăn chặn hoàn toàn virus trong bất kể tình huống nào".

Các chuyên gia cũng cảnh báo người dân không nên cố tình lây nhiễm nCoV để đạt được miễn dịch lai bởi loại virus này khó đoán định, ngay cả người trẻ tuổi cũng có thể bị bệnh nặng. Đó là chưa kể, nhiễm nCoV đột phá vẫn có thể để lại di chứng, còn gọi là Covid-19 kéo dài.

Theo Đời sống
back to top