<div> <div>Liên quan đến vụ sản phụ phải xuống xe ô tô, sinh non và cháu bé tử vong, vấn đề pháp lý nhiều người quan tâm là có thể xử lý đối với tài xế xe bảy chỗ được không?</div> <div>Theo luật sư (LS) Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP.HCM), theo thông tin ban đầu cho thấy tài xế N. được người nhà sản phụ Y. thuê chở đi bệnh viện khi chị Y. đã có dấu hiệu động thai, sức khỏe yếu. Đến trạm y tế xã thì được yêu cầu phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên gấp do trạm không đảm bảo điều kiện hỗ trợ sinh. Tức lúc này tài xế biết chị Y. và cả thai nhi đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng.</div> <div>Tài xế N. vẫn tiếp tục chở nhưng khi di chuyển tiếp 5 km thì chị Y. trở dạ, có dấu hiệu sinh non. Thông thường các trường hợp sinh sớm, sinh gấp mà chưa kịp đến bệnh viện thì buộc phải dừng xe giữa đường, nhờ người hỗ trợ sinh. Nếu có điều kiện thì gọi cho trạm y tế gần nhất hoặc gọi công an, cảnh sát 113 hỗ trợ.</div> <div>Tài xế N. sau khi đưa sản phụ xuống xe thì lót tấm nylon cho chị Y. nằm chờ sinh nhưng không rõ vì lý do gì mà tài xế này bỏ đi. Chị Y. đã sinh cháu bé nhưng tử vong ngay khi lọt lòng mẹ do sức khỏe hai mẹ con đều rất yếu và sinh non. Đúng ra tài xế N. phải đợi xem tình hình sản phụ thế nào, cùng với gia đình thai phụ có các hành động giúp đỡ, hỗ trợ họ cho đến khi thai phụ vượt cạn thành công.</div> <div>Điều 132 BLHS 2015 tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” quy định: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù ba tháng đến hai năm”.</div> <div>Theo LS Nghĩa, vụ này cần phải xem tài xế N. có điều kiện cứu giúp hay không và việc không cứu giúp này có phải là nguyên nhân dẫn tới hậu quả cháu bé chết hay không. Do đó cần phải chờ kết luận giám định của cơ quan chuyên môn. Nếu kết luận việc bé tử vong là bất khả kháng thì không thể xử lý tài xế này.</div> <div>Ngoài ra, khi tài xế N. bỏ đi bé chưa được sinh ra nên cũng không thể xem xét ở Điều 128 BLHS 2015 tội vô ý làm chết người.</div> <p align="center"><img alt="Có thể xử hình sự tài xế bỏ sản phụ sinh non giữa đường? - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2019/08/19/san-phu-bi-bo-roi1aynv_migk(1).jpg" /><br /> <em class="image_caption">Chị Y. phải xuống xe nằm ngoài đường để sinh con. Ảnh: Internet</em></p> <div>Theo một lãnh đạo của tòa chuyên trách TAND TP.HCM, do thông tin ban đầu chưa đầy đủ nên có thể chia làm ba trường hợp. Thứ nhất, vì bất kỳ lý do gì đó mà tài xế đề nghị xuống xe và tài xế cũng không biết tình trạng nguy cấp của sản phụ mà phía gia đình sản phụ đồng ý. Tức là hai bên có sự thỏa thuận thì tài xế không phải chịu trách nhiệm gì.</div> <div>Thứ hai, tài xế đề nghị xuống xe (vì lý do việc riêng của tài xế) nhưng không biết sản phụ trong tình trạng khẩn cấp phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt thì cũng không thuộc trường hợp quy định ở tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Bởi sản phụ vẫn giữ được tính mạng, mà lúc đó cháu bé vẫn chưa được sinh ra. Phải xem xét hợp đồng, nếu hợp đồng thuê xe trọn gói chở đến bệnh viện tới nơi cần đến sinh mà bỏ giữa chừng là vi phạm hợp đồng nhân sự thì phải bồi thường vì đơn phương chấm dứt hợp đồng.</div> <div>Thứ ba, tài xế biết rõ nếu không chở đến bệnh viện thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ con sản phụ nhưng khăng khăng không chịu chở, tức là chấm dứt hợp đồng dịch vụ thì vẫn phải xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại.</div> <div>Tuy nhiên, theo vị này điều quan trọng là phải có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân cháu bé chết là không được chở đến bệnh viện kịp thời hay cho dù có được chở đến bệnh viện cũng không thể sống được…</div> <p>Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM), tài xế N. yêu cầu sản phụ Y. xuống xe khi đang chuyển dạ là việc làm không đúng về đạo đức. Hành động này đáng bị lên án và cần phải được xem xét về mặt pháp luật. Trong tình huống lúc bấy giờ, tài xế phải tận tâm cứu giúp sản phụ bằng việc chở sản phụ đến bệnh viện kịp thời. Không vì bất cứ lý do gì mà từ chối vận chuyển sản phụ, trong khi người nhà chị Y. có hợp đồng thuê xe.</p> <p>Hiện PV đang gặp gỡ các bên để có thêm thông tin, <em>PLO</em> sẽ tiếp tục phản ánh.</p> <div> <div> <table align="center" cellpadding="0" cellspacing="5"> <tbody> <tr> <td style="background-color: #eee;"> <p><strong>Diễn biến vụ việc</strong></p> <p>Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra tại đường Sao Bọng - Đăng Hà thuộc xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng, Bình Phước).</p> <p>Anh Vy Văn Huấn (anh sản phụ) cho biết khoảng 6 giờ ngày 17-8, em gái anh là chị VTY (32 tuổi) mang thai được hơn bảy tháng bị đau bụng dữ dội, có dấu hiệu sinh. Gia đình đã thuê xe Innova bảy chỗ của một người đàn ông tên N. đến chở chị Y. đi bệnh viện.</p> <p>Khi đến Trạm Y tế xã Thống Nhất, các bác sĩ nơi đây yêu cầu chuyển ngay chị Y. lên tuyến trên. Ông N. tiếp tục chở khách đến BV TP Đồng Xoài. Xe đi được gần 5 km đến đoạn đường Sao Bọng - Đăng Hà (thôn 7, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) thì chị Y. trở dạ.</p> <p>Lúc này, ông N. đã dừng xe, đuổi vợ chồng chị Y. xuống, lót một tấm nylon bên lề đường cho chị nằm rồi bỏ đi. Khi vừa xuống đường chị Y. đã sinh một bé trai. Hơn một tiếng sau, gia đình mới gọi được xe đưa hai mẹ con chị Y. đi bệnh viện nhưng do sức khỏe yếu, lại sinh non, bé trai đã tử vong.</p> <p>Trả lời trên báo chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết cơ quan này đã làm việc với tài xế N. và hiện ông này đang rất hoảng loạn, lo sợ. Chủ tịch UBND xã cũng thuật lại lời của tài xế N: "Tôi không biết tại sao lúc đó tôi làm vậy nữa!? Tôi và gia đình đang cố gắng hết sức để khắc phục hậu quả".</p> </td> </tr> </tbody> </table> </div> </div> </div> <p> </p>