Toàn cảnh buổi họp. |
Đã thử nghiệm trên chuột
Cuộc họp này nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành tổ chức, doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu và sản xuất văcxin phòng Covid-19. Theo các chuyên gia tại cuộc họp, văcxin phòng Covid-19 là một văcxin mới, rất khó, đặc biệt vấn đề đáp ứng miễn dịch của Covid-19 còn nhiều điểm chưa sáng tỏ. Đến nay, trên thế giới có khoảng 100 đơn vị nghiên cứu văcxin Covid-19 với nhiều công nghệ khác nhau trong đó 8 văcxin đã và đang thử nghiệm lâm sàng trên người. Việc nghiên cứu sản xuất một loại văcxin phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt, đòi hỏi chi phí rất tốn kém và thời gian kéo dài.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc mong muốn các nhà khoa học cùng bàn giải pháp để Việt Nam chủ động trong việc phát triển văcxin Covid-19. Dù Việt Nam khẳng định trình độ trong sản xuất nhiều loại phục vụ cho tiêm chủng mở rộng, sởi, rubella... nhưng với văcxin Covid-19 bài toán thách thức hơn nhiều. Các chuyên gia cũng cho biết, trong trường hợp đại dịch, có thể tiến hành song song một số giai đoạn nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo tính an toàn cho người. Để nghiên cứu và sản xuất vắc xin nói chung, đặc biệt là vắcxin covid-19 đòi hỏi có sự tham gia, phối hợp của nhiều tổ chức, đơn vị trong đó các doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất vắc xin phải được ưu tiên là cơ quan chủ trì.
TS Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế - đơn vị đang phát triển văcxin ngừa Covid-19 cho hay, hiện các nghiên cứu viên của công ty đã tiêm văcxin thử nghiệm trên chuột và lấy máu để đánh giá hiệu quả phòng bệnh. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển văcxin, sau khi văcxin đã được gắn kháng nguyên virus corona trong phòng thí nghiệm. Sau 2-3 tuần nữa sẽ có kết quả về đáp ứng miễn dịch, độ an toàn. Khi đó sẽ tiến hành tiếp các khâu định liều, thử nghiệm chính thức trên động vật, trên người ở nhóm nhỏ và nhóm lớn.
Đẩy nhanh quy trình
Theo TS Đỗ Tuấn Đạt khẳng định, văcxin cho đại dịch cần nhanh, nhiều và rẻ nên đây là một thách thức với các nhà sản xuất.
Hiện nhóm nghiên cứu của Vabiotech hợp tác với các nhà khoa học Anh thành công bước đầu trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của nCoV. Đây là thành phần quan trọng của văcxin, khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại nCoV, tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, Việt Nam được coi là quốc gia có nền công nghiệp sản xuất văcxin, đã sản xuất được văcxin từ những năm 1960, với hàng chục loại văcxin hiện đang phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng trong nước. Nhưng công nghệ sản xuất văcxin vẫn đi theo lối cổ, tức là làm theo khâu và mỗi khâu kéo dài 2-3 năm. Do đó, để thúc đẩy quá trình nghiên cứu văcxin nhanh chóng, cần có sự cải tiến về quy trình. Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Bộ sẽ mời các chuyên gia tư vấn, lựa chọn hướng khả thi nhất để phát triển nhanh văcxin Covid-19.