<div> <p>Ngày 2/5, Thủ tướng <span>Nguyễn Xuân Phúc</span> đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tài chính tiến hành thanh tra việc điều chỉnh giá điện, cách tính giá. <em>Zing.vn</em> đã có cuộc trao đổi ngắn với Phó tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam về công việc này.</p> <p>Theo ông Lam, đây không phải lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ làm việc với ngành điện, trong đó có giá điện. Ông cho biết cơ quan này đã từng nhiều lần làm việc với ngành điện để thanh tra nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có tăng giá điện.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="‘Co the hoi y kien chuyen gia doc lap khi thanh tra ve tang gia dien’ hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/05/05/lam_zing(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Phó tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam. Ảnh: <em>Nhật Lâm.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Trước ý kiến cho rằng thanh tra việc tăng giá điện là lĩnh vực đặc thù, cần các chuyên gia có chuyên môn để xem xét đúng sai, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh cơ quan này có đầy đủ đội ngũ có thể đảm nhận.</p> <p>“Ngay nội tại Thanh tra Chính phủ có đầy đủ các chuyên gia có thể đảm nhận việc đó. Mỗi lĩnh vực chúng tôi đều có các thanh tra có thể đảm nhận công việc. Việc khó nhưng sẽ giải quyết được”, ông Lam nói.</p> <p>Vị Phó tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhận mạnh nếu cần thiết, sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập.</p> <p>“Có thể chúng tôi sẽ trưng cầu, đề nghị các chuyên gia độc lập khác cùng tham gia quá trình thanh tra”, ông Lam nói.</p> <p>Trả lời câu hỏi về nội dung thanh tra, ông Lam cho biết sẽ xem xét các yếu tố cơ cấu giá thành, chi phí đầu vào, tính toán đầu ra. Từ đó làm rõ cơ sở việc Bộ Công Thương ra quyết định tăng giá có hợp lý hay không.</p> <p>Cơ quan này cũng xem xét cách tính giá như hiện tại đang gặp vấn đề gì.</p> <p><em>Zing.vn</em> cũng đặt câu hỏi Bộ Công Thương là cơ quan trình phương án, ra quyết định tăng giá điện, nay lại tham gia đoàn thanh tra, có phải “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hay không, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam giải thích Bộ Công Thương chỉ là một trong các đại diện trong đoàn thanh tra.</p> <p>Theo ông Lam, tất cả thành viên khi tham gia đoàn thanh tra đều thực hiện theo nguyên tắc khách quan, chính xác và chịu trách nhiệm với ý kiến của mình. Bộ Công Thương nếu có đề xuất gì cũng đều phải khách quan, đúng theo quy định của pháp luật.</p> <p>“Mặc khác, Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ trì, cũng sẽ chịu trách nhiệm về kết luận của mình”, ông Lam nói.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="‘Co the hoi y kien chuyen gia doc lap khi thanh tra ve tang gia dien’ hinh anh 2 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/05/05/dsc_0271.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu một số bộ ngành vào cuộc làm rõ một số vấn đề liên quan đến tăng giá điện. Ảnh: <em>EVN.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Trước đó vào chiều 4/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc tăng giá điện, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết sau khi Thủ tướng chỉ đạo, ngay đầu tuần tới, cơ quan này sẽ bắt tay ngay vào việc.</p> <p>Ông cho biết trong quá trình này, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung phối hợp với Bộ Công Thương, Tài chính với tinh thần làm sao kết luận chính xác, khách quan, rõ đúng sai. “Tinh thần khi có kết luận, chúng tôi sẽ công khai”, ông Lam nói.</p> <p>Chiều 3/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu một số bộ ngành vào cuộc làm rõ một số vấn đề liên quan đến tăng giá điện. Cụ thể, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ, các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương... kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, làm rõ đúng, sai.</p> <p>Các cơ quan này sau đó phải có báo cáo tới Thủ tướng trong tháng 6 tới.</p> <div> <p>Giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh vào 20/3 chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh. Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên.</p> <p>Theo tính toán của EVN, khách hàng dùng dưới 50 kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng. Với khách hàng dùng 51-100 kWh, sẽ phải trả thêm 14.000 đồng. Bậc 2, khách dùng 101-200 kWh phải trả thêm 31.600 đồng; nếu dùng 201-300 kWh thì phải trả cao hơn 53.100 đồng. Với khách hàng dùng trên 400 kWh thì phải trả thêm 77.200 đồng.</p> <p>Tuy nhiên, nhiều khách hàng trên cả nước bức xúc khi tổng tiền điện lên 30-50% tháng trước đó. Nhiều chuyên gia chỉ ra điểm bất hợp lý trong phương pháp tính giá 6 bậc hiện tại.</p> </div> </div> <p> </p>