Làm nghề phải có duyên
Chị Nguyễn Hạnh từng học Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, chuyên ngành Quản lý văn hoá (trước còn có tên là Văn hoá quần chúng). Thích viết lách, nên ra trường chị về làm biên tập viên tại Phòng Văn nghệ, Đài Truyền hình Hưng Yên.
"Mỗi người tôi gặp đều khiến cho tôi thấy cuộc sống thêm phong phú. Mỗi miền đất tôi đi qua, mỗi sự kiện tôi tác nghiệp đều đọng lại trong tôi những cảm xúc, kỷ niệm khó phai. Tôi nghĩ là tôi được nhiều lắm từ nghề báo", nhà báo Nguyễn Hạnh. |
“Rất nhiều cơ quan báo chí tuyển dụng các phóng viên theo chuyên ngành. Tôi nghĩ đó cũng là một sự lựa chọn thông minh, bởi kiến thức chuyên ngành bạn nắm vững thì việc toà soạn đào tạo về nghiệp vụ báo chí cho bạn sẽ đơn giản. Tôi học về tổ chức, quản lý văn hoá nghệ thuật nên khi làm báo về mảng văn hoá thấy rất thú vị. Những kiến thức học tại trường đại học cho tôi kiến thức nền vững vàng”, chị Hạnh chia sẻ.
Tuy nhiên, chị Hạnh cho biết, từ kinh nghiệm bản thân chị, chị thấy làm nghề gì cũng phải có “duyên”. Cho dù bạn được học hành bài bản nhưng bạn kém đi sự nhạy bén, thiếu sự say mê, sáng tạo hay “nhạt duyên” thì rất khó thành công.
Đặc biệt, khi được giao phụ trách về mảng nào thì vẫn phải bỏ công sức, thời gian ra để nghiên cứu và học hỏi nắm vững về lĩnh vực đó để khi viết, có thể đưa thông tin sẽ chính xác, trung thực, khách quan nhất tới cho độc giả. Và phải có tình yêu với nghề.
Cũng là một “tay ngang” khi đến với nghề báo, nhà báo Trần Ngọc, Phó Phòng Kinh tế, Báo Điện tử VOV chia sẻ, chị vốn là dân ngoại ngữ, gắn bó với VOV bắt đầu với công việc biên tập viên, biên dịch viên. Trúng tuyển vào Đài rồi, chị mới đi học văn bằng 2 về nghiệp vụ báo chí. Khi chuyển sang làm mảng Kinh tế, chị lại tiếp tục học thạc sĩ về kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Nhà báo Trần Ngọc chia sẻ, nếu được lựa chọn lại, chị vẫn chọn nghề báo. |
“Tôi cho rằng mỗi ngành hẹp có một đặc thù, mà nếu chỉ học báo chí nói chung thì có những lĩnh vực sẽ khó hoàn thành tốt công việc. Ví dụ như với mảng kinh tế, khi viết những bài phân tích, nhận định về kinh tế, về nợ công hay kinh tế vĩ mô… tôi thấy kiến thức nền tảng rất thiếu hụt, không hiểu sâu khó làm tốt được, nên tôi đã đi học”, chị Trần Ngọc chia sẻ.
Những kỹ năng chỉ học từ đồng nghiệp
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về những “tay ngang” trong nghề báo, cũng là chia sẻ về nghề nhân ngày 21/6, nhà báo Nguyễn Thị Hồng, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình 1, hiện công tác tại VOV chia sẻ, chị đã có 10 năm làm giảng viên, sau đó chuyển sang làm phóng viên (mới được khoảng 2 năm) thì chị thấy, vai trò của thực tiễn và lý luận luôn có sự bổ trợ cho nhau.
Ví dụ, đơn giản như khi đặt lịch phỏng vấn nhân vật, chuyên gia, làm sao để cho nhân vật đồng ý trả lời, thì kiến thức ở nhà trường có thể dạy các kỹ năng, nhưng việc áp dụng lại tùy từng người, không phải ai cũng làm được.
Hoặc trong trường, kỹ năng viết tin thì chỉ dạy gồm 5 yếu tố, hoặc phải chọn chi tiết quan trọng. Tuy nhiên, chi tiết quan trọng như thế nào lại tùy góc nhìn từng người.
“Cùng một sự kiện xảy ra, thông tin có thể đọc trên rất nhiều báo. Nhưng mỗi phóng viên có cách xử lý khác nhau. Khi viết, ngoài kiến thức lý luận về báo chí, còn là kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp, xử lý các mối quan hệ… Những kỹ năng đó cần phải học, tích lũy trong nhiều năm, và tùy vào sự tinh ý của mỗi người, nhìn đồng nghiệp để học, chứ nhà trường không dạy, kể cả thế hệ đi trước chưa chắc đã truyền lại được cho thế hệ sau. Khi bước chân vào làm phóng viên, tôi thường để ý xem đồng nghiệp họ xử lý tình huống thế nào thì học tập theo. Trong trường báo có thể dạy cách làm báo, phương pháp làm báo nhưng không dạy được viết báo, vì nó còn tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Đó là sự nhanh nhạy trong ngôn từ, sự trải nghiệm, bám trụ… Khi có đầy đủ các yếu tố đó thì lý luận phát huy tác dụng”, chị Hồng chia sẻ.
Theo chị Hồng, làm nghề báo phải thực sự yêu và lăn lộn với nghề. Và tố chất quan trọng nhất là sự bền bỉ, tạo lập các mối quan hệ, trăn trở với từng con chữ.