<div> <p>Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.</p> <p>Đây là hai dự án luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ với thay đổi căn bản khi “chuyển giao” nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.</p> <h3>Có thể không cần thanh tra giao thông</h3> <p>Dành 25 phút tại tổ đại biểu Bắc Ninh - Vĩnh Phúc để giải đáp một số băn khoăn của đại biểu Quốc hội và dư luận, Bộ trưởng Công an <span>Tô Lâm</span> khẳng định ông luôn lắng nghe ý kiến và ban soạn thảo sẽ tiếp thu.</p> <p>“Vì sao tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật?”, Bộ trưởng Công an nêu vấn đề và giải đáp ngay, do cần thiết đảm bảo một số mục tiêu.</p> <p>Theo ông, tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng và rất bức xúc trong xã hội hiện nay. Một là phải tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ. Hai là làm sao giải quyết trật tự ATGT đường bộ.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/11/znews-photo-zadn-vn_to_lam_1_1_1.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption default-caption"> <p>Đại tướng Tô Lâm cho rằng "chỉ cần ra đường là nhìn thấy ai cũng có thể vi phạm giao thông". Ảnh: <em>Hoài Vũ.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>“Hiện nay, thực trạng mất ATGT đường bộ là rất lớn. Có lần đại biểu chất vấn tôi đánh giá thế nào, tôi đánh giá là vi phạm phổ biến và tràn lan. Thậm chí, không cần đánh giá và báo cáo, chỉ cần ra đường là nhìn thấy ai cũng có thể vi phạm được”, ông Lâm nói.</p> <p>Giải thích trật tự ATGT ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội, ông Lâm cho rằng Bộ Công an với trách nhiệm được giao đảm bảo trật tự an toàn xã hội thì “không thể đứng ngoài” trong giữ an toàn giao thông.</p> <p>Với việc tách riêng hai luật, Bộ trưởng Công an khẳng định cần làm khẩn trương vì “tình hình không cho phép chúng ta chậm trễ hơn nữa”.</p> <p>Trước băn khoăn có lãng phí không khi tách như vậy, đại tướng Tô Lâm khẳng định không những không mà còn tiết kiệm được rất nhiều.</p> <p>“Việc này không làm phát sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Nếu giao cho công an thì chúng tôi có lực lượng CSGT, phối hợp các lực lượng khác khi cần tăng cường trong các dịp cao điểm”, ông Lâm nói.</p> <p>Tư lệnh ngành công an khẳng định nhiều lần bộ máy sẽ không phát sinh, thậm chí người làm nhiệm vụ trên đường sẽ giảm.</p> <p><strong>“</strong>Tôi nghĩ đã quy định thế này thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên đường nữa. Bộ GTVT có đề nghị chúng tôi nếu giao nhiệm vụ cho Bộ Công an thì đề nghị Bộ Công an nhận cho 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho tôi chỉ tiêu này”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.</p> <p>Theo ông, sẽ rất bất cập và khó khăn khi CSGT giữ xe rồi thanh tra giao thông đi kiểm tra, vì thực tế cũng không có nước nào làm như vậy.</p> <p>Dù thêm nhiệm vụ, Bộ trưởng Công an khẳng định lực lượng CSGT vẫn giảm vì áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật. Ví dụ, đường cao tốc giờ sẽ không cần CSGT tuần tra (chỉ cần ở điểm vào và điểm ra), xe nào vi phạm trên đó sẽ bị xử lý ngay ở điểm ra. Như vậy giảm rất nhiều về nguồn nhân lực.</p> <h3>Ưu tiên cũng phải chấp hành luật</h3> <p>Kể câu chuyện trải nghiệm thực tế ở các nước để nói về quản lý giao thông, Bộ trưởng Công an cho biết khi ông ra nước ngoài, xe dẫn đường đi đến đâu thì đèn xanh bật đến đó. Khi ông hỏi, CSGT giải thích do trung tâm điều khiển biết xe ưu tiên đi qua nên đều bật đèn xanh. Trong khi đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết ở nước ta nhiều đoàn xe ưu tiên vượt đèn đỏ là “rất vô lý”.</p> <p>“Luật phải nghiêm túc, ai cũng phải chấp hành theo luật, ưu tiên cũng phải chấp hành, gặp đèn đỏ phải đứng lại, nếu không rất nguy hiểm và không nghiêm về mặt luật pháp luật”, Bộ trưởng Công an kiến nghị và cho rằng việc lưu thông của các đoàn xe ưu tiên phải được điều khiển từ hệ thống.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Doan xe uu tien cung can chap hanh luat anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/11/znews-photo-zadn-vn_dsc_1102_zing.jpg" title="Đoàn xe ưu tiên cũng cần chấp hành luật ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Theo Bộ trưởng Công an, các đoàn xe ưu tiên cũng cần chấp hành đúng pháp luật. Ảnh: <em>Duy Hiệu.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Cùng với đó, các biển số xe phải được tích hợp trên hệ thống camera để quản lý. Ví dụ ở Trung Quốc, xe của nước ngoài vào được cấp phép nhưng đi đến đâu cũng phải giải trình vì không phải biển kiểm soát được tích hợp trên hệ thống camera của họ.</p> <p>“Làm được cái này chúng ta sẽ quản lý được ngay biển giả, biển không hợp pháp. Còn hiện nay rất khó khăn, biển giả không thể chỉ nhìn bằng mắt thường được mà phải bằng khoa học công nghệ.</p> <p>Việc sát hạch lái xe với nhiều băn khoăn về lãng phí cơ sở, nguồn lực khi chuyển từ Bộ Công an sang Bộ GTVT, song theo đại tướng Tô Lâm, các cơ sở này chủ yếu là xã hội hóa nên sẽ vẫn hoạt động bình thường.</p> <p>Về vấn đề quản lý lái xe, và cấp bằng lái xe, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh trong Luật đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất là những người tham gia giao thông, đặc biệt là đội ngũ lái xe.</p> <p>Ông nêu con số thì 90% các lỗi gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông là lỗi do lái xe, do con người chứ không phải hạ tầng. Bởi vậy, việc quản lý đội ngũ này rất quan trọng.</p> <p>Trước đây, trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông được giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, song Bộ trưởng Công an nêu bất cập từ chính quy định này.</p> <p>Ông kể câu chuyện của Chủ tịch Lâm Đồng thắc mắc nói xe từ Đồng Nai chở khách đến, đi tới địa phận Lâm Đồng gây tai nạn nghiêm trọng khiến hàng chục người chết, nếu bắt Chủ tịch Lâm Đồng chịu trách nhiệm thì rất khó.</p> <p>Theo lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng công an và CSGT phải chịu trách nhiệm về những vấn đề này. Đây là trách nhiệm lớn và rất nặng nề.</p> <p>Ông kỳ vọng luật này sớm được thông qua và đưa vào cuộc sống để giảm bớt những vấn đề bức xúc.</p> </div> <p> </p>