Có quyền, tôi sẽ cho chấm lại những điểm thi cao bất thường

Tôi chẳng hiểu sao người ta lại ra được con số khổng lồ thế, quá khủng khiếp. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ cho chấm lại ở những hội đồng có điểm thi cao bất thường để đảm bảo công bằng cho các thí sinh giữa các tỉnh”, cô Đặng Thị Liễu, trường THTP Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội chia sẻ.
điểm thi cao bất thường

ThS, cô giáo Đặng Thị Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.

Con số khổng lồ, quá khủng khiếp

Vấn đề điểm thi THPT Quốc gia cao bất thường ở một số tỉnh đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong đó có việc lan truyền “chóng mặt” nhiều trang bảng điểm môn Văn tại Nghệ An toàn điểm 9. Cô có suy nghĩ gì trước thông tin này?

Nếu thông tin về điểm thi cao bất thường này là đúng, thì tôi chẳng hiểu sao người ta lại ra được con số khổng lồ thế. Quá khủng khiếp. Một số đồng nghiệp của tôi nói, chấm cả 500 bài thi mà không có điểm 9 nào. Tôi cũng vậy, chấm gần 500 bài mà điểm cao nhất cũng chỉ 8,5.

Tôi cho rằng, ở đây, có yếu tố cục bộ với tâm lý con nhà mình, tỉnh nhà mình thì cho điểm cao. Như vậy, nó không đảm bảo sự công bằng đối với các thí sinh ở các tỉnh thực hiện chấm thi nghiêm túc, đúng với quan điểm của Bộ GD&ĐT.

Vụ việc ở Hà Giang hay Nghệ An theo tôi chỉ là trót bị lộ, nên trở thành “bia ngắm” cho cả xã hội. Cần có  công nghệ Var rà soát lại kì thi này một cách cẩn trọng, đặc biệt khâu chấm thi, nhập điểm. Tâm trạng của một giáo viên như tôi, đặc biệt là người đã trải qua việc coi thi, chấm thi nghiêm túc kì thi THPT Quốc gia vừa rồi là thấy phẫn nộ, không tin nổi và chán nản.

Tôi tin nhiều giáo viên cũng có chung cảm xúc như tôi. Tôi cho rằng, một cá nhân không thể làm được việc gian lận thế này. Tôi mong muốn sẽ có cuộc điều tra nghiêm túc, để làm rõ sự việc, có câu trả lời thỏa đáng cho sự bức xúc của dư luận.

Môn văn năm nay đề mở, có thể vì thế mà điểm cũng có thể dao động không, thưa cô?

Đề năm nay đúng là có câu hỏi mở, đáp án mở, nhưng giáo viên cũng không thể nào vượt khung để mà tự cho thêm điểm thí sinh. Mà mở thì cũng chỉ ở  câu 4 phần đọc hiểu thôi. Trong khi câu này thì khung điểm thấp.

Tôi lấy ví dụ, câu hỏi thứ 4 trong phần Đọc hiểu: Quan điểm của nhà thơ về tiềm lực có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Câu này là mở nhưng cũng chỉ có dung lượng là 1 điểm. Trong đó, trả lời có hay không đều được 0,25 điểm.

Còn nội dung lập luận phía sau, nếu trả lời lý lẽ đầy đủ, thuyết phục mới được tối đa 1 điểm. Nên không thể đổ thừa cho việc có câu hỏi mở và đáp án mở dẫn tới điểm vênh, điểm thi cao bất thường như thế được. Mà cái này phải là do quan điểm chấm.

Quan điểm chấm là như thế nào, thưa cô?

Ví dụ có những giáo viên, bất kể học sinh nào cũng cộng cho điểm sáng tạo là 0,5 điểm ở bài nghị luận. Trong khi, để đạt được điểm này thí sinh phải có trình độ nhận thức và kỹ năng văn chương tốt chứ không thể là đại trà được. Hoặc có giáo viên, bài thi cứ trả lời có chữ là cho điểm, không thật bám sát đáp án.

Cần chấm lại những nơi có điểm thi cao bất thường

Cách chấm đó, sẽ dẫn tới hệ lụy thế nào?

Điểm thi cao bất thường ở một hội đồng nào đó sẽ gây ra sự thiệt thòi cho học sinh ở những hội đồng chấm chặt chẽ và nghiêm túc.

Một bài thi ít nhất có hai giáo viên chấm. Mỗi GV sẽ có một phiếu điểm riêng. Đến khi khớp, độ vênh không quá 0,75 điểm, hai GV tự cân nhắc, xem lại với nhau đưa ra một điểm thống nhất. Còn nếu từ 1 điểm trở lên thì sẽ phải có biên bản đối thoại, có phương án giải quyết chấm lại. Nếu từ 1,5 điểm trở lên sẽ có tay chấm thứ 3.

Như tôi, chấm độc lập và cùng khớp bài với một cô giáo của Trường Nguyễn Thị Minh Khai, đến lúc thanh tra chấm lại tập bài đó, có bài vênh 0,25 điểm vẫn phải xuống phòng hội đồng chung thảo luận, rồi hạ điểm xuống cho đúng với đáp án.

Ở hội đồng chấm Hà Nội, quan điểm chấm là bám sát đáp án, điều này sẽ đảm bảo tương đối sự công bằng cho các thí sinh.

Nhưng cũng không loại trừ trong trường hợp điểm thi cao bất thường này, thí sinh Nghệ An học tốt môn Văn chẳng hạn?

Tôi cho rằng mỗi một vùng miền, tỉnh thành đều có những thí sinh học lực ở các mức khác nhau. Nhưng đây là dạng đề phân loại thí sinh. Với loại đề này, để đạt được điểm 9 thì phải là những học sinh có kiến thức chuyên sâu, kỹ năng văn chương làm bài rất tốt.

Tôi tin nếu có dao động về điểm do quan điểm áp dụng đáp án của giám khảo thì cũng chỉ trong khoảng từ  0,25 – 0,5 thôi. Chứ không thể có một bảng điểm mấy trang liền toàn điểm 9, cào bằng, nhìn hoa hết cả mắt. Không thể có hiện tượng điểm thi cao bất thường như thế.

Chị có nói tới sự thiệt thòi, mất công bằng cho các thí sinh ở các tỉnh khác khi có điểm thi cao bất thường ở một số hội đồng thi. Vậy có cách nào để lấy lại sự công bằng đó hay không?

Tôi cho rằng, với những tỉnh có điểm thi cao bất thường, hay thấp bất thường thì ở Bộ GD&ĐT đều có nhận được thông tin.

Vậy thì người có thẩm quyền và trách nhiệm nên có động thái cần thiết để khắc phục. Nếu tôi có thẩm quyền, thì với hội đồng chấm thi có điểm thi cao bất thường tôi sẽ cho thanh tra, phúc tra lại. Không cần tất cả, mà chỉ cần thí điểm một số tập bài, sẽ cho ra kết quả xem hội đồng đó chấm có nghiêm túc hay không ngay.

Ngày 15/7, Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng chấm thẩm định, chấm lại tất cả bài thi trắc nghiệm của thí sinh Hà Giang từ đĩa CD1. Kết quả cho thấy cơ bản kết quả thi của thí sinh không thay đổi, tuy nhiên có một số bài thi chấm thẩm định điểm thấp hơn so với công bố.

Cụ thể, môn Toán có 102 bài chênh từ 1 đến 8 điểm (chấm thẩm định là 1; công bố là 9). Môn Vật lý có 85 bài chênh từ 1 đến 7,75 điểm. Môn Hóa có 56 bài chênh 1-8,75 điểm. Môn Sinh có 8 bài chênh 1- 4,25 điểm (chấm thẩm định là 4,75; công bố là 9).

Ở tổ hợp Khoa học xã hội, có 9 bài thi Lịch sử chênh từ 1 đến 7,25 điểm (chấm thẩm định là 2,5; công bố là 9,75). 3 bài thi Địa lý chênh từ 1,25 đến 3 điểm. 3 bài Giáo dục công dân có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 so với công bố.

Với môn tiếng Anh, có 52 bài đã chênh lên từ 1,4 đến 7,8 điểm (chấm thẩm định là 1,2; công bố là 9). 

Tổ công tác xác định, 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh hơn 1 điểm so với chấm thẩm định. Cá biệt có em tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8, thậm chí 29,95 so với chấm thẩm định.

Đừng cho rằng các em non nớt

Đề thi môn Văn năm nay cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều với câu hỏi về tiềm lực. Từ thực tế chấm thi, cô đánh giá như thế nào về câu trả lời của các thí sinh? Câu hỏi về tiềm lực có vượt quá sức các em hay không?

Tôi đánh giá cao ở các thí sinh năm nay là có tư duy, cách nhìn nhận độc lập. Tôi cho rằng, đây không phải là một đề khó đối với các em.

Với câu hỏi quan điểm về tiềm lực của tác giả trong đoạn thơ có còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, có em trả lời có, có em trả lời không. Có em trả lời vừa có, vừa không. Nhưng đều có những lập luận của mình, không hề quá sức hay khó với các em.

Có luồng ý kiến cho rằng, không nên áp tư duy của người trưởng thành vào con trẻ. Đối với câu hỏi về tiềm lực, việc cho rằng tiềm lực đất nước tự nhiên của đất nước cạn kiệt… là gieo vào đầu các em những suy nghĩ cực đoan, không nên. Quan điểm của cô thế nào?

Tôi thấy phải xuất phát từ tình hình thực tế học sinh học sinh trung học hiện nay, các em dễ dàng tiếp cận với những luồng tư tưởng, quan điểm khác nhau về các vấn đề xã hội.

Lứa tuổi các em, cũng đã bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời, có nghĩa vụ và trách nhiệm công dân rồi. Đây là lúc các em phải lựa chọn con đường tương lai của mình, và đã có sự hoàn thiện nhất định về nhân cách. Vậy thì còn đợi đến lúc nào để đặt câu hỏi cho các em về việc tự nâng cao nhận thức của bản thân?

Không nên coi các em là non nớt mà phải “bưng tai, che mắt” các em trước các vấn đề hiện thực xã hội. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi sẽ có cái nhìn về hiện thực khác nhau.

Ở độ tuổi các em, không thể đòi hỏi các em đưa ra cái nhìn như người lớn hay của người đưa ra quyết sách cho đất nước. Nó chỉ như một hồi chuông dóng lên, để lay động nhận thức của các em về bổn phận, ý thức công dân đối với đất nước, trách nhiệm đối với cộng đồng.

Và trong bài thi của các em, tôi cũng thấy cónhiều học sinh thể hiện được điều đó. Như vậy là rất  đáng mừng.

Từ những tranh luận về đề thi, tới kết quả thi năm nay, cô có kiến nghị gì gửi tới Bộ GD&ĐT?

Đặt một câu hỏi thế này: Giả sử những bảng điểm toàn 9 của Nghệ An không lọt, lộ ra ngoài thì chúng ta cũng chỉ biết được điểm của từng em, chứ liệu có thể có cái nhìn tổng hợp để thấy được “cơn mưa” điểm 9 như thế? Liệu sẽ còn biết bao nhiêu “Nghệ An” chưa bị “lộ”?

Tôi mong rằng trong năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ có sự chặt chẽ, khoa học trong việc ra đề, đáp án; phương án tổ chức chấm thi tạo sự công bằng tốt nhất để không “sốc” vì điểm vênh như thế này.

Trân trọng cảm ơn cô!

Theo  thông tin, chiều 10/7, trên một số diễn đàn mạng ở Nghệ An lan truyền dữ liệu điểm thi THPT quốc gia năm 2018 của học sinh tỉnh này. Theo dữ liệu có kết quả của 31.426 thí sinh. Môn văn, một thí sinh đạt điểm cao nhất 9,75 điểm; 188 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên.

Trong công văn gửi Bộ GD&ĐT vào chiều 10/7, Sở GD&ĐT Nghệ An nói rõ: Do sơ suất về mặt kỹ thuật, trong quá trình xuất file dữ liệu công bố kết quả thi để cài đặt vào máy chủ công bố điểm thi, cán bộ kỹ thuật đã để file này phát tán lên mạng, nên một số cá nhân đã biết điểm trước thời gian Bộ qui định công bố là ngày 11 tháng 7 năm 2018. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An xin được báo cáo và nhận thiếu sót về sự cố trên, và sẽ xử lý cán bộ kỹ thuật gây ra sự việc theo đúng quy định.

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
back to top