Cổ phiếu dầu khí ngược dòng ấn tượng với loạt mã vốn hóa nhỏ tăng hết biên độ

Giữa lúc thị trường biến động mạnh cùng với việc giá dầu liên tục tăng mạnh và lập đỉnh lịch sử, cổ phiếu họ dầu khí tăng hết biên độ.

Nổi bật trong nhóm cổ phiếu dầu khí phải kể đến những cái tên như: PET, PSH, PDG, PXS, CNG.

Riêng cổ phiếu PVC tăng 9,9%, đang ở mức 17.800 đồng/cp. Kế đó là PVS (+3,8%) tăng 33.200 đồng/cp; PLX (+3,5%) đạt 63.800 đồng/cp;  OIL (+3,3%) đạt 19.800 đồng/cp; PVD (+2,7%) đang ở mức 34.250 đồng/cp,...

Theo thống kê của FiinTrade, các nhà đầu tư đang đổ tiền mạnh vào nhóm dầu khí trong 2 phiên giao dịch gần đây. Nhất là nhóm thiết bị và dịch vụ dầu khí, tiêu biểu là PVS và PVD.

Cả 2 mã này nằm trong top các cổ phiếu đột phá với khối lượng giao dịch tăng hơn 50% so với trung bình 5 phiên.

Nguyên nhân được các chuyên gia dự báo là do giá dầu thế giới tiếp tục tăng cùng với căng thẳng địa chính trị.

Theo dự báo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Nếu phục hồi trở lại mức 100 triệu thùng/ngày, tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch Covid.

Tuy vậy, nguồn cung dầu mỏ được dự báo sẽ tăng chậm trong thời gian tới khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tại COP26 về hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. OPEC và các nước đồng minh chưa thể hiện ý muốn gia tăng sản lượng nhiều hơn.

Do đó, BSC nhận định với triển vọng nền kinh tế khởi sắc giúp nhu cầu tiêu thụ dầu thô tăng mạnh, trong khi tốc độ tăng nguồn cung còn tương đối chậm, dự báo mức giá dầu trung bình cả năm 2022 là 80 USD/thùng để làm kịch bản cơ sở cho dự phóng năm 2022.

Với kịch bản tích cực, mức giá dầu trung bình có thể lên tới 90 USD, còn đối với kịch bản tiêu cực, giá dầu trung bình có thể điều chỉnh xuống mức 70 USD/thùng hoặc thấp hơn.

Trong năm 2021, thị trường dầu khí trong nước có sản lượng dầu thô khai thác đạt khoảng 10,97 triệu tấn. Sản lượng dầu thô khai thác đã liên tục giảm kể từ năm 2015 đến nay do suy giảm sản lượng các mỏ dầu khai thác lâu năm. Chưa kể hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác và phát triển mỏ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ xăng dầu được dự báo sẽ dần phục hồi sau đại dịch, và duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng trên 3%/năm.

Theo Đời sống
back to top