Bắt hàng tấn, giá ma tuý trong nước… chưa cao
Bộ trưởng Công an Tô Lâm là người mở đầu phiên chất vấn ngày 4/6 tại Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ an ninh trật tự thời gian qua đạt nhiều kết quả: Việt Nam được xem là điểm đến an toàn của khách du lịch, trong đó có công sức đóng góp của ngành công an. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự đang diễn biến phức tạp. Nhóm tội phạm ma tuý đang lợi dụng Việt Nam để vận chuyển ma tuý sang nước thứ ba. Trong khi đó, người nghiện ở nước ta ngày càng gia tăng.
“Từ năm 2018, công an đã ngăn chặn các vụ vận chuyển ma tuý qua Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Hoà Bình, Sơn La khiến tội phạm phải chuyển hướng hoạt động vào miền Trung, miền Nam. Mặc dù vừa qua lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ một số vụ án ma tuý lớn chưa từng có, nhưng nguy cơ loại tội phạm này phát triển vẫn hiện hữu. Việc bắt giữ hàng tấn ma tuý nhưng giá ma tuý trong nước chưa cao là cơ sở để thấy rằng nguồn cung từ nước ngoài vào chưa được ngăn chặn triệt để” - Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu.
Người đứng đầu bộ Công an cũng cho biết, "mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật. Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm, tội phạm của các loại tội phạm". Hiện, 50% số phạm nhân trong các trại giam có liên quan tới ma tuý. Vì thế, đấu tranh chống tội phạm ma tuý cũng là giải pháp quan trọng để giảm tội phạm trong nước.
"Chúng tôi đang xây dựng cơ chế phối hợp mới để đấu tranh với tội phạm ma tuý tốt hơn. Đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tội phạm ma tuý; đề nghị khôi phục lại Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Tội sử dụng trái phép chất ma túy) về xử lý hình sự tội sử dụng ma tuý" - Bộ trưởng nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách (đoàn Cà Mau) chất vấn: Vì sao số lượng tướng công an vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý, thậm chí áp dụng chế tài hình sự nhiều như vậy? Ai chịu trách nhiệm trong việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm những người này?.
Tuy nhiên, với chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đều là những vụ việc đã được xử lý nghiêm, không có khoảng trống hay vùng cấm. "Các tướng công an bị xử lý kỷ luật thì đều đã bị xử lý rồi. Không có khoảng trống cho các tướng công an vi phạm” - Chủ tịch Quốc hội phát biểu. Mặt khác, việc bổ nhiệm các tướng lĩnh đều tuân theo các quy định. “Khi bổ nhiệm thì người ta tốt thì bổ nhiệm, khi vi phạm pháp luật thì bị kỷ luật, điều này cũng bình thường. Bất kỳ ai vi phạm cũng đều bị kỷ luật" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng Bộ trưởng Tô Lâm không cần trả lời chất vấn này.
Tội phạm dễ bỏ trốn là do quy định
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, tín dụng đen cũng diễn biến phức tạp, len lỏi đến các vùng quê. Tình trạng mua bán trẻ em có diễn biến mới như mua bán bào thai qua biên giới. Vấn đề tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu, bia cũng đang cần sự chung tay giải quyết của toàn xã hội.
Đối với công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thời gian qua công tác phối hợp liên ngành đã tốt, do đó các lực lượng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, tạo ra lòng tin của nhân dân. Người dân mạnh dạn tố cáo, lên án loại tội phạm này. Do đó việc phát hiện số lượng các vụ việc có tăng lên.
Liên quan đến gian lận thi cử ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hoà Bình, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin: đã điều tra 3 vụ, với 16 bị can. Kết quả đủ căn cứ kết luận hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao, can thiệp sửa chữa nâng điểm cho thí sinh. Đã xác định 214 thí sinh được nâng điểm. Trong đó Hoà Bình 66 thí sinh, Hà Giang 107 và Sơn La là 44. Trước mắt để đảm bảo điều tra đúng thời hạn, cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can đã xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao. Việc "các phụ huynh đưa, nhận tiền đang được tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ, Bộ Công an sẽ công bố sau khi có kết luận điều tra” - Bộ trưởng cho tin rõ.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) chất vấn, số lượng đối tượng vi phạm pháp luật là người có chức, có quyền, có tiền ngày càng tăng. Có vụ việc cử tri cho rằng việc phát hiện, khởi tố không kịp thời dẫn đến đối tượng bỏ trốn, phải truy nã, gây bất bình trong dư luận. “Cử tri lo ngại tính nghiêm minh của pháp luật. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?” – đại biểu Tạo chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng một số đối tượng bỏ trốn phải truy nã cũng có vấn đề liên quan quy định của pháp luật. Trước đây quy định có các hình thức bắt quả tang, bắt giữ khẩn cấp, bắt theo lệnh... Tuy nhiên, để phòng ngừa việc bắt nhầm, oan sai nên quy định pháp luật được sửa đổi. Theo đó hiện nay không còn quy định bắt trong trường hợp khẩn cấp nếu chưa chứng minh được hành vi phạm tội, chưa khởi tố. Do đó vừa qua có sơ hở cho đối tượng lợi dụng bỏ tốn.
“Yêu cầu là không để lọt tội phạm nhưng cũng không để xảy ra oan, sai. Đối tượng trước khi gây án đều chuẩn bị để chạy tội, trốn tội nên đối phó tinh vi. Chúng tôi sẽ tổng kết để có giải pháp về pháp luật và nghiệp vụ nhằm giải quyết vấn đề này” – Bộ trưởng Tô Lâm trả lời.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn việc các băng nhóm “tín dụng đen” có hiện tượng bảo kê, bao che của một số cán bộ công an thoái hoá, biến chất. Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, tội phạm băng nhóm có diễn biến phức tạp, không từ thủ đoạn nào để tấn công, “vô hình hoá” lực lượng công an.
“Mua chuộc, đe doạ không được, các đối tượng này lại tiếp tục dùng thủ đoạn xuyên tạc, vu khống, hạ uy tín” - Bộ trưởng trả lời. Ông cho biết có những chiến sĩ không chịu được áp lực đã quan hệ, làm ngơ để tội phạm hoạt động. “Thậm chí có bảo kê, hợp tác với đối tượng tội phạm” – Bộ trưởng Tô Lâm xác nhận. Từ đây, Bộ trưởng trả lời sẽ “kiên quyết loại bỏ những cán bộ này, xử lý nghiêm không có vùng cấm, bất kể ở cấp nào”.