Hỏi: Trong đại dịch Covid-19, có một số người bàn đến việc mua máy đo SPO2 cầm tay để biết khi nào nên đến bệnh viện cấp cứu, điều này có nên không?
Hoàng Minh Phương (Hà Nội)
TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam: Nếu có điều kiện mua thì cũng tốt. Nhưng thực tế điều này không cần thiết, bởi với bệnh nhân Covid-19, việc tụt oxy diễn biến có thể rất nhanh, vì thế, dù chỉ cảm thấy hơi khó thở một chút là phải đến cơ sở y tế ngay, không thể đợi ở nhà đến khi hôn mê rồi mới vào bệnh viện. Trước tình hình Covid-19 đang lây lan ở rất nhiều địa phương thì việc quan trọng là chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác. Xác định được F0 là rất quan trọng. Nhưng khi truy vết ra F1 thì bản thân những người này phải cách ly và được y tế theo dõi sát sao, không phải đợi ở nhà chờ khi đo máy SPO2 giảm rồi mới biết.
Máy SPO2 có 2 mặt, một là sẽ tạo cho chúng ta tâm lý chủ quan không đến bệnh viện sớm, hai là không phối hợp với y tế để khai báo giúp sớm tìm ra F1, F2. Khi xác định được bạn là F mấy, từ đó cán bộ y tế sẽ dựa theo đúng phác đồ để điều trị, như vậy việc điều trị và phòng chống sẽ được tốt hơn chứ không phải cậy nhờ vào những loại máy này.
Để phòng dịch, phải thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt, trong các cơ sở y tế phải 100% đeo khẩu trang bất cứ lúc nào. Từng loại khẩu trang đều có những ý nghĩa khác nhau. Nếu đi ra đường, chúng ta có thể đeo khẩu trang vải. Hiện nay, có những loại khẩu trang vải 2 lớp, 3 lớp thậm chí có cả những chất sát khuẩn rất tốt vừa ngăn chặn bụi vừa ngăn chặn sự xâm nhập của virus. Nếu vào môi trường bệnh viện thì buộc phải đeo khẩu trang y tế. Nếu đến khu điều trị và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thì phải dùng khẩu trang, kính đeo mắt, tấm che mặt, bộ quần áo, giày, găng tay; tất cả đều phải cẩn thận sử dụng đúng quy định.