Đề xuất gây băn khoăn, tranh cãi
Ngày 20/2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên đến hết tháng 3 và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến thời điểm ngày 20/2, Việt Nam chỉ còn duy nhất 1 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị.
Trước đó, chiều ngày 17/2, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2003, chỉ sau 45 ngày có dịch SARS, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.
Ở thời điểm này, chúng ta càng tự tin hơn với các phương tiện và quyết tâm hiện có để phòng chống dịch Covid-19. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang làm rất tốt nhờ sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Y tế cả nước.
Tại thời điểm hiện nay, chúng ta tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bệnh nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm cuộc sống bình thường và lo làm ăn kinh tế, giữ vững ổn định xã hội.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng khẳng định: Việt Nam là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả và các điều kiện tự nhiên khi thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước, thời tiết ở miền Trung, miền Nam hiện nay rất thuận lợi.
Tối ngày 14/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã có công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành xem xét cho học sinh nghỉ học hết tháng 2 để phòng dịch Covid-19. Căn cứ tình hình thực tế nghỉ học của học sinh, Bộ sẽ điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học 2019-2020.
Chính vì vậy, đề xuất cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3 của TPHCM gây băn khoăn, gây tranh cãi, không biết vì lý do gì mà TPHCM lại đề xuất như vậy, liệu có hợp lý hay không?
Quyết định nghỉ học chỉ nên từng tuần
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, khi mới được nghỉ học do Covid-19, các con rất háo hức, vui vẻ. Tuy nhiên, việc ngày nào cũng phải ở nhà, làm bài tập qua mạng, không được giao tiếp với thầy cô, bạn bè khiến các em bắt đầu cảm thấy chán nản, chỉ mong đến trường. Các phụ huynh có con học năm cuối cấp lo lắng, có con nhỏ thì cuộc sống xáo trộn vì không có người trông con.
Chị Lê Thị Nga (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị đã phải gửi con về cho ông bà ở quê trông từ khi con nghỉ học đến giờ. Vì ông bà không biết dùng công nghệ, cho nên, con chị về cũng không nhận được bài học mà cô giáo giao qua mạng.
“Nghe tin có đề xuất cho học sinh nghỉ hết tháng 3, tôi rất lo lắng, sợ khi con lên học sẽ không bắt kịp được các bạn. Tôi cho rằng, cần đặt sức khỏe của các con lên hàng đầu, chưa an toàn thì chưa cho trẻ đi học. Nhưng tôi nghĩ, chỉ nên điều chỉnh việc nghỉ học theo từng tuần, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, chứ không nên lập kế hoạch cho học sinh nghỉ cả tháng như vậy”, chị Nga nói.
Nhiều giáo viên cũng cùng chung quan điểm với chị Lê Thị Nga. Cô giáo Nguyễn Thu Thảo, giáo viên trường mầm non ở Hà Nội chia sẻ, qua theo dõi tin tức cô thấy tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã có những tín hiệu đáng mừng. Chính vì thế, nên điều chỉnh lịch học theo từng thời gian ngắn, có thể từ 1 – 2 tuần, thay vì cả tháng.
Theo cô giáo Trần Kim Hoa (Trường THPT Liên Hà, Hà Nội), cho học sinh nghỉ hết tháng 2 là hợp lý. Sau đó, tùy tình hình lại quyết định tiếp.
Cô giáo Lê Thanh Huyền (Trường THPT Phù Ninh, Phú Thọ) thì cho rằng, thời tiết ở miền Bắc vào tháng 7 khá khắc nghiệt, mưa to, nắng cháy… học sinh đi học sẽ khá vất vả. Cho nên, cô mong các bộ ngành sẽ có sự phối hợp để có quyết định hợp lý, khi nào đủ đảm bảo an toàn cho học sinh thì cho các em tới trường.
Cô giáo Đặng Thị Liễu (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều) phân tích, việc nghỉ cả tháng cũng sẽ tiện cho việc lập kế hoạch học tập, và cũng có thể tiện cho một số gia đình chủ động trong việc tìm người trông con. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến khó đoán trong một thời gian dài. Cho nên, trước mắt, cứ cho học sinh nghỉ hết tháng hai. Sau đó tùy vào tình hình lại quyết định tiếp.
“Thực tế, hiện tại Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, môi trường trường học dễ lây lan. Mà nếu để lây lan sẽ rất nguy hiểm. Cho nên, theo tôi vẫn luôn phải đặt sự an toàn của học sinh lên hàng đầu. Nhưng mọi quyết định cũng phải theo sát tình hình dịch bệnh, để việc học của các em không bị ảnh hưởng”, cô Liễu nói.
“Tôi cho rằng, nếu như tiếp tục nghỉ dài cả tháng, thì Bộ GD&ĐT nên có một hướng dẫn cụ thể về việc học tập của học sinh. Thực tế, có trường học trực tuyến tiếp theo chương trình, trường không. Có học sinh về quê ở với ông bà, không sử dụng công nghệ thì không học gì, trong khi các bạn ở thành phố vẫn làm bài tập, gửi qua mạng. Như vậy sẽ thiếu đồng bộ. Đặc biệt là đối với học sinh cuối cấp, tâm lý phụ huynh, học sinh rất hoang mang. Cần có sự chỉ đạo kịp thời để ổn định tâm lý cho cả phụ huynh và học sinh”, cô giáo Nguyễn Thu Hương, Trường Tiểu học Chân Mộng, Đoan Hùng, Phú Thọ.