"Lò" nào cũng học chỉ để đi thi
Nghe một nhóm phụ huynh trao đổi trong một kỳ thi học sinh giỏi Toán, thì thấy câu chuyện xoay quanh nên học thầy nào, “lò” nào để con có thể có được thành tích tốt nhất.
Tôi thử hỏi một phụ huynh ở Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) về chất lượng của một “lò” thì “choáng” khi chị đưa ra so sánh với một loạt cơ sở dạy học của các giáo viên khác.
Hỏi, vì sao chị nắm rõ vậy, chị nói, con chị đã học qua tất cả các thầy đó rồi, dù thầy ở xa mấy cũng đến học bằng được nếu có thông tin thầy dạy tốt.
Con của chị, mới học lớp 5, nhưng các huy chương, giải thưởng “nhiều không đếm hết”. Tôi hỏi chị, vậy cháu còn thời gian dành cho vui chơi không, chị nói không, con đi học cả thứ 7, chủ nhật kín tuần. Chị cũng không thấy vấn đề gì vì con chị cũng không có nhu cầu đi chơi. Những lúc không phải học thì cháu đọc truyện tranh, xem phim, chơi game…
Nếu có con đang học bậc tiểu học và THCS thì thấy, có rất nhiều các kỳ thi học sinh giỏi, đặc biệt là Toán, Tiếng Anh…. liên tiếp được tổ chức.
Tôi hỏi một phụ huynh, sao phải cho con đi thi nhiều thế làm gì, thì chị nói: Ở lớp, đi họp phụ huynh, rồi trong nhóm chat của lớp, cô luôn tuyên dương những bạn học sinh giỏi, có nhiều giải thưởng. Những học sinh đó cũng luôn nhận được sự trầm trồ, ngưỡng mộ, tán thưởng từ các phụ huynh khác. Trong các hoạt động của lớp thì được ưu tiên, tựa như những “ngôi sao”. Nếu con mình không thi thố gì, thì tựa như “số 0” vậy, cảm thấy như đứng ngoài lề, rất tủi. Vì thế, phải cho con tham gia, giành giải thưởng.
Huy chương HS giỏi cũng giống như của cuộc chạy marathon
Từ năm học 2017 - 2018, Bộ GD&ĐT đã quyết định tạm dừng các cuộc thi giải toán, tiếng Anh trên mạng.
Lý do là vì, có một số trường sử dụng kết quả của một số cuộc thi trong việc tuyển sinh khiến một số HS tham gia cùng lúc nhiều cuộc thi với động cơ kiếm thêm điểm ưu tiên, gây quá tải, tốn thời gian và ảnh hưởng không tốt tới kết quả giáo dục.
Có những trường hợp, bố mẹ cho con luyện thi hằng ngày, luyện đến mức câu gì HS cũng thuộc đáp án. Điều đó vừa tạo áp lực không cần thiết cho HS vừa gây tác dụng ngược, không phát triển được kỹ năng và hình thành năng lực.
Tuy nhiên, vẫn nhiều các kỳ thi khác được tổ chức, dù không phải do Bộ GD&ĐT chủ trì.
PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục chia sẻ: "Thực tế là có những học sinh, vào những tháng “cao điểm”, cuối tuần nào cũng đi thi. Về việc thi cử này, tôi muốn lấy một so sánh vui: Nhiều người tuần nào cũng đi chạy, cuộc marathon nào cũng tham gia. Khi tham gia chạy marathon, chúng ta có mục tiêu để rèn luyện, để vượt qua chính mình chứ đâu vì “áp lực” vào top 10 hay top 100. Thật ra việc trẻ con đi thi Toán, thi Tiếng Anh hiện nay cũng nên nhìn nhận như vậy thôi. Vì vậy, nếu tham gia các kì thi để các cháu có ý thức học tập tốt hơn, cảm thấy tự tin hơn thì rất nên cho thi.
Nhưng nếu vì phải đi thi mà lao vào ôn luyện, rồi học hết lò này lò kia thì không nên. Thật sự những huy chương này, bằng khen kia hay cúp vàng, cúp bạc của các kì thi tiểu học hay THCS nó cũng chỉ tương tự như mấy cái huy chương marathon 10km, 20km và 40km của chúng ta thôi. Về mặt cá nhân, tôi cũng không ủng hộ việc tham dự quá nhiều kì thi”.
Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Lê Anh Vinh, cô giáo Nguyễn Thu Hương, Trường Tiểu học Chân Mộng, Đoan Hùng, Phú Thọ cho biết, các bậc phụ huynh không nên coi những kỳ thi như thế này tựa như một cuộc đua thành tích của bố mẹ và ép con phải tham gia.
Con gái cô Hương, học lớp 5 cũng vừa tham gia một kỳ thi tiếng Anh cấp huyện và đoạt giải. Tuy nhiên, đây là lựa chọn của con gái, chứ không phải của bố mẹ. Cháu cảm thấy hứng thú, muốn tham gia cuộc thi thì gia đình ủng hộ, và cũng không học “lò” để lấy giải thưởng bằng được. Trái lại, rất nhẹ nhàng. Cô cũng luôn khuyên các phụ huynh không nên đặt sức ép thành tích thi cử lên các con.
HIện nay, học sinh Việt Nam có thể tham gia rất nhiều cuộc thi toán quốc tế… Một số các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, thì các kỳ thi cũng có những mặt trái. Trong đó có việc, chúng ta nhập khẩu quá nhiều kỳ thi của nước ngoài, dù không biết rõ có nguồn gốc từ đâu, như thế nào”. Các kỳ thi nên chuyển giao cho nhà khoa học, chuyên môn để chất lượng tốt hơn”.