Có nên cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn?

Cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn hay giới hạn trong một ngưỡng cho phép... đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ thảo luận tại Quốc hội đến dư luận xã hội.
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Quy định này đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều không chỉ tạo phiên thảo luận tổ của Quốc hội mà ngay cả trong dư luận xã hội.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" bởi quy định như vậy quá nghiêm khắc, chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Một số ý kiến khác cho rằng, nên cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn như dự thảo. Bởi nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Co nen cam tuyet doi tai xe co nong do con?

Chiều 12/11, Phạm Cao Trí lái xe ô tô gây tai nạn liên hoàn ở TP Thủ Đức (TPHCM) vi phạm nồng độ cồn, khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương.

Không đồng tình cấm tuyệt đối lái xe có cồn, vì sao?
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông – người có gần 40 năm nghiên cứu về lĩnh vực giao thông khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống cho rằng, khi đưa ra quy định cần áp dụng khoa học về tính hợp lý, tính thực tiễn.
Thừa nhận, lái xe vi phạm nồng độ cồn tiềm ẩn nguy cơ của những TNGT thảm khốc, gây bức xúc cho người dân, tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho biết, ông không đồng nhất quan điểm cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn.
“Thế giới đã chứng minh thế nào là say, thế nào là không say? Thần kinh chịu đựng được đến đâu, chủ động được đến đâu khi uống rượu, bia. Khi say xỉn vượt ngưỡng cho phép, tài xế mới không làm chủ được tay lái, gây ra mất an toàn giao thông”, ông Thủy nói.
Nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Content - BAC) hay nồng độ cồn trong hơi thở (Breath Alcohol Content - BrAC) là những tiêu chuẩn chung trên toàn cầu để xác định mức độ vi phạm của các lái xe.
Theo thống kê về giới hạn nồng độ cồn với tài xế của 194 quốc gia, vùng lãnh thổ của WHO, có khoảng 20 quốc gia áp dụng cấm tuyệt đối tài xế có cồn, trong khi đó, hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ giới hạn lớn hơn 0, không phải cứ có cồn là bị phạt.
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, không phải các quốc gia trên không thấy được tầm quan trọng của việc cấm rượu bia, nhưng họ thấy được, nếu cấm đại trà sẽ gây ra những hệ lụy không phải nhỏ.
“Nếu cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn như một số ý kiến, tôi cho rằng, đây là quy kết vội vàng, thiếu tính thực tiễn, thiếu tính khoa học. Nhất là ở đất nước có nhiều lễ hội, nhiều tôn giáo, tục lệ như nước ta, mỗi ngày có hàng triệu người uống rượu bia thì không khả thi”, ông Thủy nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, rượu bia là ẩm thực, là văn hóa, thể hiện mối quan hệ tình cảm giữa con người với con người. Bởi vậy nếu cấm tuyệt đối sẽ gây ra các hệ lụy.
Cụ thể, số người kiểm tra phải gấp 3 đến 5 lần so với việc chúng ta quy định một mức nào đó. Số người quá nhiều không thể kiểm tra xuể được. Riêng Hà Nội, mỗi ngày có hơn 10 triệu người đi trên đường, làm sao kiểm tra hết được.
Thứ hai, việc cấm tuyệt đối dễ dẫn đến bức xúc của người dân dù không phải bức xúc do tiêu cực mà người ta muốn sống cuộc sống có tục lệ, có truyền thống, có giao lưu giữa con người với con người, chứ không thể tiệc đám cưới không có rượu, bia được. “Chúng ta hay ca ngợi đám cưới không rượu bia nhưng thực ra đó là ca ngợi mang tính thành tích”, ông Thủy nói.
Bên cạnh đó, càng cấm, người dân càng uống rượu bia bởi đó là thói quen, là tục lệ. “Thực tế lâu nay, Nghị định 100 khi có hiệu lực, phạt đến 40 triệu nhưng người ta vẫn uống”.
“Do đó, nên chăng chúng ta không nên cấm tuyệt đối mà theo các nước, có một mức độ, một ngưỡng nào đó theo chứng minh của khoa học, nếu vượt quá ngưỡng đó mới xử phạt nặng, dưới ngưỡng đó không ảnh hưởng, sao lại xử phạt?”, ông Thủy nêu ý kiến.
Trước đó, thảo luận tại tổ, Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đặt câu hỏi, không biết khi quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu có nồng độ cồn thì có tham khảo kinh nghiệm quốc tế không vì quy định như vậy không thực tế.
Đại biểu Huân dẫn ví dụ ở Phần Lan, nếu uống 1 chai bia trong vòng 1 tiếng thì đảm bảo chất kích thích không còn đủ tác động và có thể điều khiển được xe. Trường hợp uống 2 chai bia thì sau 3 tiếng có thể điều khiển được xe. Trong khi ở ta thì cấm tuyệt đối.
"Tối qua chúng ta liên hoan thì sáng nay nồng độ vẫn còn và vi phạm. Cái đấy là không thực tế. Tối qua uống một chút, sáng nay họp vẫn tỉnh táo, vẫn phát biểu có làm sao đâu", ông Huân lấy ví dụ và cho rằng nên quy định nồng độ cồn ở mức nào thì không được lái xe chứ không nên cấm tuyệt đối là không có nồng độ cồn.
“Du di” tài xế vi phạm cồn, bao công sức có... “đổ sông, đổ biển”
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Một trong những lý do dẫn đến quan điểm này được đưa ra, thực tế thời gian qua, hệ lụy tài xế điều khiển phương tiện khi say xỉn đã gây ra nhiều vụ tai nạn gây thảm khốc, tang thương.
Khi những tranh cãi về việc có nên cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn còn đang diễn ra, một cô gái 18 tuổi tại TP Thủ Đức (TP HCM) đã mất đi mạng sống khi trở thành nạn nhân của tài xế say xỉn trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra chiều 12/11 tại đường Nguyễn Văn Tăng, phường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức).
Trước đó, có những vụ tai nạn giao thông do tài xế say xỉn khiến nhiều ám ảnh. Điển hình, vụ tai nạn giao thông xảy ra khuya ngày 2/6/2022, Nguyễn Đức Thịnh khi đó là cán bộ Sở GTVT Bắc Giang sau khi uống rượu bia liên hoan cơ quan cũ đã điều khiển xe Audi tông vào một xe máy tại khu vực ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) khiến 3 người trong một gia đình tử vong.
Không ít người đã phải gọi hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện là “tội ác” và từng đề nghị phải cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Bên cạnh đó, từ khi có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và được triển khai quyết liệt trong thực tế hơn 1 năm nay, áp dụng quy định đã uống rượu bia không lái xe, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và lực lượng thực thi đã kéo giảm TNGT cả về số vụ, tỉ lệ thương vong do tài xế say xỉn gây ra, đặc biệt tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 9 tháng đầu năm 2023 toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 90 vụ (1,07%), giảm 60 người chết (1,24%). Trong đó, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước.
Cùng với số vụ tai nạn giao thông do tài xế say xỉn giảm, việc tích cực xử lý vi phạm nồng độ cồn với tinh thần “không có vùng cấm”, đã tạo sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về giao thông.
Chỉ tính từ ngày 30/8 đến 15/10, khi 6 tổ công tác của Bộ Công an do Cục CSGT chủ trì đã triển khai ở 58 địa phương, phối hợp với Phòng CSGT, Công an cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung kiểm soát, phát hiện, xử lý chuyên đề người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn, đã phát hiện xử lý 1.129 trường hợp ô tô, 4990 trường hợp xe máy vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức...bị xử lý nghiêm theo quy định.
Từ đó, dư luận đặt câu hỏi: Nếu “du di” cho tài xế có nồng độ cồn điều khiển phương tiện, bao “công sức” bấy lâu nay có... “đổ sông, biển”.
Trao đổi với báo chí, đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, bản thân ông ủng hộ quy định trong dự luật cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Ông An cho rằng, quy định trên không cấm người dân uống rượu bia, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán xá mà chỉ cấm người dân đã uống rượu bia thì không được lái xe.
“Vấn đề này liên quan đến an toàn trật tự giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông. Thực tế có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng xảy ra do tài xế có uống rượu bia, say xỉn”, ông An nói và cho rằng, thực tế trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định rõ nội dung này và thời gian qua việc thực hiện quy định uống rượu bia không lái xe đã chứng minh tính hiệu quả.
Những quan điểm trái chiều của dư luận xung quanh việc “cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn hay không?” sẽ giúp các nhà làm Luật nghiên cứu, cân nhắc để đưa ra những quy định phù hợp, khả thi trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

>>> Mời độc giả xem thêm video Bị kiểm tra nồng độ cồn, tài xế đánh Cảnh sát giao thông

Nguồn: THĐT

Theo Đời sống
back to top