Xe Kia Grand Carnival chuẩn bị xuất khẩu sang Thái Lan.
Theo một số chuyên gia, dù còn khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có những cơ hội để có thể trở thành một trung tâm sản xuất, xuất khẩu ô tô của khu vực.
Những tín hiệu tích cực
Năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam lần đầu tiên chứng kiến câu chuyện lội ngược dòng khi THACO - Trường Hải xuất khẩu ô tô sang Thái Lan - trung tâm lắp ráp ô tô lớn nhất khu vực. Theo đó, DN này đã xuất khẩu 1.407 ô tô các loại, tổng kim ngạch xấp xỉ 50 triệu USD.
“Phải tồn tại và phát triển vững chắc tại Việt Nam trước đã rồi mới tiến tới xuất khẩu. Để thúc đẩy việc xuất khẩu, Chính phủ cần điều chỉnh giảm một số loại thuế. Nhà nước đã ký một số Hiệp định Thương mại tự do, thuế giảm tức là sức cạnh tranh của ô tô Việt Nam tăng lên. Nếu Việt Nam vẫn phải đi nhập linh kiện từ Thái Lan để lắp xe thì không thể nào lắp rồi bán lại cho Thái Lan được”.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA)
Đầu năm 2021, VinFast cũng gây sự chú ý của dư luận quốc tế khi chuẩn bị đưa vào thị trường Mỹ hai mẫu xe điện cao cấp là VinFast VF33 và VinFast VF32.
Các mẫu xe này trang bị công nghệ tự lái cấp độ 2 - 3, có thể đáp ứng công nghệ tự lái cấp độ 4 (tự động hóa cao nhất là mức 5 - tự động hoàn toàn).
TC Motor cũng đang củng cố những điều kiện cần thiết để sẵn sàng nhảy vào “cuộc chơi” xuất khẩu ô tô sang các thị trường khu vực, thể hiện qua việc mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng nhà máy thứ 2 với công suất lên đến 100 nghìn xe/năm.
Doanh nghiệp này cũng khởi công xây dựng tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản phẩm và hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra khu vực ASEAN.
Trao đổi với PV, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu ô tô nhận định, ô tô Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu trong bối cảnh tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, số lượng có thể không nhiều. Ví như thương hiệu Hyundai tại Việt Nam đang sản xuất và bán rất tốt nhưng tại các nước trong khu vực lại không mạnh nên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cơ sở để xuất khẩu dòng xe này sang các nước trong khối.
Điều kiện nào để thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu ô tô?
Theo nhiều chuyên gia, để xuất khẩu ô tô, trước tiên cần tăng được tỷ lệ nội địa hóa, khả năng cung ứng tại chỗ, giúp giảm giá thành nhằm tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, xuất khẩu ô tô có hai cái khó. Thứ nhất, sản lượng còn chưa đáp ứng đủ cho thị trường trong nước, khiến giá thành sản xuất đội lên, chưa đủ sức cạnh tranh về giá để tham gia xuất khẩu. Thứ hai, chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng còn mỏng, chỉ khoảng 200 nhà cung cấp, chưa bằng 10% số nhà cung cấp so với Thái Lan. Nếu cứ nhập khẩu linh kiện về lắp ráp thì chưa thể có lợi thế về giá để xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đồng cho rằng, Việt Nam vẫn có thuận lợi để làm ô tô xuất khẩu, đó là nhân công lao động toàn cầu của các hãng xe sẽ quyết liệt hơn, định hình quốc gia nào chuyên sản xuất xe gì và xuất khẩu đi đâu.
Chẳng hạn như Nissan đưa hết về Thái Lan; Mitsubishi sẽ quy hoạch về chế tạo chủ yếu tại Indonesia. Nếu các hãng xe như THACO lọt vào “mắt xanh” các ông lớn toàn cầu như Mazda hay Kia thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành công xưởng chuyên lắp ráp các nhãn hiệu này, khi đó sẽ rộng đường xuất khẩu.
Còn theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), để có thể xuất khẩu ô tô, đầu tiên sản phẩm của Việt Nam phải chất lượng, giá thành cạnh tranh.
Việt Nam đã có cơ hội nhiều hơn khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước bằng 0%, nhiều hãng sẽ nhìn thấy thị trường chung, rộng lớn hơn. Những tập đoàn toàn cầu chưa mạnh ở các nước khác có thể chọn Việt Nam là một trung tâm sản xuất.
“Các tập đoàn Hàn Quốc khá yếu ở Thái Lan và Indonesia, nếu bán tốt ở Việt Nam, việc đầu tiên họ làm là sẽ tập trung vào sản xuất, chinh phục thị trường Việt Nam, sau đó làm thêm xe, giảm chi phí, mở rộng sản xuất và tìm cách xuất khẩu sang nước khác”, ông Hiếu phân tích.