Cơ hội đầu tư BĐS khi sáp nhập xã, phường

(khoahocdoisong.vn) - Việc sáp nhập các phường không chỉ tạo thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của người dân mà còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi phát triển bất động sản (BĐS).

Xác định việc sáp nhập

Ngày 7/8, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo của Thường trực UBND TP về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021. Theo đó, thường trực UBND TP.HCM thống nhất nội dung Tờ trình số 2876 ngày 26/7/2019 của Sở Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021.

Như vậy, tại TP.HCM sẽ có 9 trường hợp nhập hai phường thành một, và một trường hợp nhập ba phường thành một phường mới. Sau sắp xếp, TP.HCM còn 310 phường, xã - giảm 10 đơn vị so với trước. Trong đó quận 2 giảm hai phường, quận 3 giảm hai phường, quận 4 giảm hai phường, quận 5 và 10 cùng giảm một phường và quận Phú Nhuận giảm hai phường.

Phương án cụ thể như sau: Đối với đơn vị hành chính cấp huyện (24 quận, huyện) sẽ giữ nguyên như hiện nay, còn đối với đơn vị hành chính cấp xã có chín trường hợp sáp nhập hai phường thành một phường, một trường hợp sáp nhập ba phường thành một phường. Tại quận 2, sẽ sáp nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm, phường Bình Khánh và Bình An thành 2 phường mới.

Tại quận 3, phường 6, 7 và 8 sẽ được sáp nhập vào một phường mới. Tại quận 4, phường 2 và 5, phường 12 và 13 lần lượt được sáp nhập thành 2 phường mới. Tại quận 5 phường 12 và 15 được sáp nhập. Tại quận 10 phường 2 và 3 được sáp nhập. Tại quận Phú Nhuận, phường 11 và 12, 13 và 14 được sáp nhập thành 2 phường mới.

Những phường thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn này đều là những phường ở vị trí lõi trung tâm của TP.HCM, áp lực quản lý hành chính, quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân không chỉ tại địa phương mà còn khách du lịch, bệnh nhân, thân nhân người bệnh, người dân tạm cư ở mức rất cao, cao gấp nhiều lần dân số địa phương như tại BV Chợ Rẫy, BV Hùng Vương, ký túc xá Trường ĐH Bách khoa...

Từ phương án sắp xếp như trên, Thường trực UBND TP.HCM giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh nội dung báo cáo (đầy đủ các phụ lục, số liệu liên quan), tham mưu văn bản của UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.

Hiện nay TP.HCM có 24 đơn vị hành chính cấp huyện và 322 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số trung bình của TP.HCM cao nhất nước với hơn 8,5 triệu người, cứ năm năm lại tăng thêm 1 triệu người. Dự kiến đến năm 2025, dân số TP.HCM sẽ đạt trên 10 triệu người. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh, dự kiến đến năm 2030 tỉ lệ đô thị hóa đạt 80%-90%. Nhưng tình trạng quá tải hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện trên diện rộng tạo áp lực rất lớn lên bộ máy quản lý nhà nước.

Cơ hội đầu tư

Việc sáp nhập các phường không chỉ tạo thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của người dân mà còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi phát triển BĐS. Trong thời gian đầu, việc sáp nhập các phường sẽ khiến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp bị xáo trộn vì liên quan đến sự thay đổi về thông tin địa chỉ, giấy tờ, dịch vụ…

Nhưng bù lại điều này cũng thúc đẩy những địa phương này phát triển mạnh mẽ hơn. Sau khi sáp nhập các xã, thị trấn, các đơn vị như trường học, trạm y tế, các hội, đoàn thể cũng sáp nhập, tổ chức lại hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn để chăm lo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội...

Việc sáp nhập các phường tạo cơ hội hình thành nguồn quỹ đất dồi dào để thu hút đầu tư. Tạo điều kiện cho những địa bàn thuộc các khu vực sáp nhập dù có giá đất mềm thì vẫn còn nhiều cơ hội tăng giá trong năm 2019. Nhất là quỹ đất thuộc nhóm vùng trũng có giá đất thổ cư dưới ngưỡng 20 triệu đồng/m2, đất đất nông nghiệp chỉ một vài triệu đồng/m2 nằm tại các huyện, xã ngoại ô Sài Gòn, cách trung tâm từ 15 – 25km.

Những quỹ đất này được dự báo sẽ thu hút mạnh dòng vốn đầu tư, nhất là dòng vốn từ những nhà đầu tư có dòng vốn nhỏ, chú trọng nhu cầu an cư. Bởi hiện nay, quỹ đất khu vực trung tâm thành phố không còn nhiều, trong khi đó nhu cầu BĐS liền thổ liên tục tăng mạnh trong vài tháng gần đây và đang diễn ra tình trạng BĐS liền thổ khan hiếm với ngưỡng giá cao.

Bên cạnh đó việc giá đất tại các khu vực nội thành trong địa bàn thành phố trong những năm vừa qua tăng giá quá nhanh cũng khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng đổ về các địa bàn tiềm năng mới để thu gom quỹ đất, chưa kể trong năm 2019, giới đầu tư có dòng vốn trung bình cũng nhắm tới các huyện có mặt bằng giá đất thấp nhất Sài Gòn.

Hầu hết các đối tượng săn mua BĐS thuộc địa giới hành chính TP HCM đều có xu hướng để an cư, xây nhà ở và phục vụ các nhu cầu ở thật, hoặc tranh thủ đầu cơ giá đất để chờ tăng giá và bán chốt lời. Ngoài ra những BĐS khu vực này cũng khá thích hợp mua để tích lũy tài sản, thu hút các nhà đầu tư dài hạn có vốn lớn và ít quan tâm đến biến động của thị trường trong ngắn hạn.

Tuy nhiên các nhà đầu tư cũng nên thận trọng khi đầu tư vào đất tại các khu vực này. Sốt đất trong những năm qua đã khiến cho đất nền vùng trũng đua nhau thiết lập mặt bằng giá mới. Khi đó, nhà đầu tư sẽ bị đánh đố trước một rừng giá thật - ảo lẫn lộn.

Tại khu vực trung tâm, thị trường nhà ở hạng sang trong nửa cuối năm 2019 được dự báo vẫn “nóng” khi rất ít dự án đã được phê duyệt. Đây cũng là rổ hàng độc quyền trong giai đoạn thành phố hạn chế cấp phép dự án nhà ở cao tầng mới giai đoạn 2018-2020. Chính vì sự độc quyền dẫn đến khan hiếm và vị trí đắc địa có một không hai của bất động sản hạng sang nên đây vẫn là kênh hút vốn của các nhà đầu tư có tài chính mạnh hoặc giới siêu giàu.

Theo VietnamDaily
back to top