Thuật ngữ “địa linh, nhân kiệt” đã có từ lâu đời và nhiều học giả cho rằng, địa linh tức là đất thiêng, đất thiêng tất sinh ra người tài.
Tuy nhiên, địa linh có thật hay không và cách nhận biết đất thiêng như thế nào là cả một vấn đề phức tạp.
“Địa linh – long mạch” không phải chuyện cổ tích
Rất nhiều người cho rằng, việc dùng từ “địa linh” chỉ là cách nói quá, thần thánh hóa về một địa danh nào đó mà không có cơ sở và bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, quan niệm này nhanh chóng bị bác bỏ khi các nhà khoa học đưa ra những bằng chứng thuyết phục khẳng định, địa linh là có thật, không phải chuyện cổ tích.
Địa linh – long mạch là một vế mang tính nguyên nhân, trong mối liên hệ giữa con người và môi trường thiên nhiên.
Tại sao lại gọi là “địa linh – long mạch”?
Đó không chỉ là câu hỏi mà còn là một trong những băn khoăn của nhiều người khi đề cập đến địa danh được đánh giá là địa linh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương, thông thường khái niệm địa linh luôn là một thành tố có mối liên hệ nhân quả trong cụm từ “địa linh, nhân kiệt”.
Khái niệm địa linh sẽ trở nên mơ hồ, nếu không có một kết quả tương ứng là nhân kiệt. Do đó, cụm từ “địa linh, nhân kiệt” không thể tách rời, nhằm mô tả mối liên hệ hữu cơ giữa con người và môi trường.
Đây là hệ quả của quan niệm trong khoa Địa lý cổ Đông Phương mà bây giờ quen gọi là phong thủy học để mô tả mối liên hệ nhân quả của những vùng đất đặc biệt với những con người có khả năng đặc biệt sinh ra từ những vùng đất đó.
Trong đó, địa linh là một vế mang tính nguyên nhân, trong mối liên hệ giữa con người và môi trường thiên nhiên. Khái niệm địa linh là sự mô tả một vùng đất có cấu trúc địa hình đặc biệt, khác hẳn cấu trúc môi trường tổng thể xung quanh nó.
Đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hoá & Khoa học – Công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam sau nhiều năm sưu tầm và nghiên cứu về lĩnh vực phong thủy đã rút ra những điều cơ bản về khái niệm địa linh.
TS Hoàng Điệp cho rằng, địa linh xét theo nghĩa rộng là tổng hoà của yếu tố tâm linh, thổ nhưỡng và địa chất học. Còn nếu xét theo nghĩa hẹp là mảnh đất mà điều kiện tự nhiên, môi trường hoàn toàn phù hợp với con người.
Trong đó, không thể không xét về chất đất xem trong đó có độc tố hay phóng xạ độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của con người hay không.
Chứng minh về điều này, TS Hoàng Điệp đưa ra hàng loạt dẫn chứng có thật đã được khoa học ghi nhận. Trong đó, có hiện tượng vùng đất hoặc mảnh đất nào đó trồng cây gì cũng chết hoặc cằn cỗi.
Khi các nhà khoa học vào cuộc tìm hiểu, sau nhiều xét nghiệm tỉ mỉ mới phát hiện chất đất có độc tố và phóng xạ mạnh, đến cây cỏ còn lụi tàn thì con người làm sao có thể tồn tại.
Cũng theo ông Điệp, nếu đơn giản hoá khái niệm địa linh thì có thể hiểu nôm na đó là vùng đất thiêng, đất lành đã gắn liền với con người cùng giá trị lịch sử và tâm linh. Địa linh không phải là cách nói cường điệu hay thần thánh hoá mà chỉ là một đúc rút mang tính Á Đông.
“Địa linh – long mạch” có thể mất đi
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương khẳng định: “Về nguyên lý thì địa linh không thay đổi nhưng chính con người tàn phá thiên nhiên làm nó thay đổi.
Bình Định là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”.
Ví dụ như Vịnh Hạ Long, nếu người ta để sập vài ngọn núi đảo tiêu biểu chẳng hạn. Hay như việc đào núi, lấp sông mà thiếu những tính toán khoa học, rất có thể đem lại những hậu quả hơn là kết quả”.
Một ví dụ mới nhất và điển hình nhất để giải thích cho vùng đất bị tàn phá do con người là vụ chôn thuốc sâu tại Thanh Hóa.
Thuốc sâu có thể theo nguồn nước ngầm lan rộng ra khắp nơi, người dân sử dụng sẽ có những ảnh hưởng đến tính mạng và tinh thần. Nếu dân trí thấp, thiếu những giải thích khoa học thì rất có thể người dân sẽ đổ lỗi cho đất dữ có thần linh, ma quỷ.
TS Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, địa linh gắn với thời đại, lịch sử. Có những nơi tồn tại hàng vạn năm nhưng cũng có những vùng chỉ một thời gian ngắn là tàn lụi.
Đất Hoa Lư từng là vùng đất thiêng nhưng khi vua Lý Công Uẩn nhận thấy không còn vượng khí mới chèo thuyền đến bến Giang Tân (Làng Bái Ân) và thấy thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay) có thế đất đẹp mới dời đô, đổi tên là Thăng Long.
Sự lụi tàn của vùng đất được gọi là địa linh luôn luôn bắt nguồn từ gió, khí và nước. Ba yếu tố quan trọng của môi trường này nếu xét về mặt khoa học phong thủy là những nguyên lý cơ bản tương hỗ quan trọng nhất. Trong đó, đặc biệt chú ý đến yếu tố khí: Sinh khí hay nguyên khí được xem là bản thể, nguồn gốc của vạn vật.
Khí còn gọi là long (rồng). Gồm khí tiên thiên và khí hậu thiên, hiện nay được gọi là plasma sinh học. Nguyên khí được xem là gắn bó với nước vì nước giúp khí di chuyển.
Nước di chuyển thì nguyên khí cũng di chuyển, nước dừng lại thì nguyên khí cũng dừng. Sinh khí tụ mạnh nhất tại các nơi giao hội của nước.
Nguyên khí cũng được xem là gắn bó với núi. Từ đó, quan sát hướng đi của núi hay sơn mạch, ta có thể tìm được nguyên sinh. Có khí lành (cát khí) và có khí dữ (hung khí). Sự lành dữ của khí có thể phụ thuộc vào phương hướng. Những điểm lớn tập trung cát khí gọi là địa linh.
Như vậy, khi yếu tố khí của vùng địa linh bị thay đổi thì những yếu tố khác cũng thay đổi theo. Lịch sử đã chứng minh và ghi nhận nền văn minh sông Nin từng được coi là “vùng đất thánh” với cát khí tuyệt diệu.
Trải qua 30 vương triều kéo dài từ khoảng thiên niên kỷ thứ 4 đến năm 332 trước Công nguyên. Sự thay đổi khí đã kéo theo hậu quả dòng sông Nin cạn nước và biến một vùng đất rộng lớn thành sa mạc.
TS Nguyễn Hoàng Điệp kết luận, cái gì cũng có sự sinh ra, phát triển và tàn lụi. Vùng địa linh cũng thế, sự tàn lụi có thể do con người vô tình hoặc cố ý và thông thường sự tàn lụi ấy gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên như sóng thần, động đất, núi lửa sẽ xoá sổ địa linh hoặc có thể biến địa linh ấy thành một vùng đất dữ.
“Có một thực tế là không ít người khi nhắc tới vùng đất “long mạch hay địa linh” thì cứ nghĩ chỉ là huyễn hoặc, thần thánh hoá mà không biết rằng địa linh là có thật. Vấn đề là địa linh ở quy mô to nhỏ thế nào mà thôi. Có những vùng đất rộng lớn tụ cát khí trở thành kinh thành như Thăng Long. Có nơi quy mô nhỏ hơn dùng để làm nhà hay táng mộ tổ tiên”.
TS Nguyễn Hoàng Điệp (Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hoá & Khoa học – Công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam)
Trần Hòa