Ông Nguyễn Văn Hồng - Cổ đông lớn của STT (sở hữu hơn 1,7 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 21,8%) cho rằng, STT đã hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán.
Tính đến ngày 31/12/2019, STT đã phát sinh một khoản lỗ luỹ kế là 93,242 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu xuống âm 13,242 tỷ đồng. Công nợ phải trả ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của nhóm công ty là 33,5 tỷ đồng. Theo đó, khả năng tiếp tục hoạt động của STT hiện phụ thuộc hoàn toàn vào lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và trông chờ vào việc tiếp tục hỗ trợ tài chính của các cổ đông để có khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến thời hạn. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của STT càng ngày càng đi xuống, thua lỗ liên tiếp trong giai đoạn 2012 - 2019.
Mặc dù, doanh thu của Sài Gòn Tourist trong năm 2019 đạt 35 tỷ, tăng 14% so với năm 2018 và 2017. Tuy nhiên, chi phí doanh nghiệp tăng vọt 150% so với năm trước kéo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh xuống còn âm 14 tỷ và báo lỗ 13 tỷ đồng sau thuế.
Tổng tài sản của Sài Gòn Tourist năm 2019 ghi nhận 32,7 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước. Lý do khiến cho giá trị tổng tài sản của STT ngày càng giảm đi là do nâng mức trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên 44 tỷ đồng, vượt quá số tài sản công ty có, tăng 29% so với năm 2018. Các khoản phải thu ngắn hạn của STT lên tới 50 tỷ đồng và khó có khả năng thu hồi.
Bên cạnh kết quả kinh doanh ảm đạm, mâu thuẫn nội bộ tại STT cũng là một trong những vấn đề nhức nhối của Công ty trong những năm qua. Lãnh đạo của công ty cho biết, từ một vài năm trở lại đây, STT luôn phải hứng chịu sự chống đối từ một nhóm cổ đông chỉ vì lợi ích nhóm.
Hiện, 2 chủ nợ tài chính của STT là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty TNHH Tài chính Toyota Việt Nam – TFSVN. Những khoản nợ hai tổ chức này hiện đã được cơ cấu vào nhóm nợ cần chú ý. Nếu STT phá sản, với tình hình tài chính hiện tại, STT rất khó để thực hiện được các nghĩa vụ trả nợ cho chủ nợ, đối tác. Thậm chí các cổ đông cũng có nguy cơ mất không số vốn đã đầu tư vào STT.