Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của ACV đạt lần lượt là 17.770 tỷ đồng (tăng 19%) và 6.028 tỷ đồng (tăng 44%). Theo giải trình của ACV, lợi nhuận 2018 tăng đột biến chủ yếu nhờ chính sách tăng giá dịch vụ theo Quyết định 2345 của Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT). Theo đó, một loạt dịch vụ hàng không được tính theo khung giá mới tăng so với trước như: phí cất/hạ cánh máy bay, phí dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không, phí dịch vụ phục vụ hành khách. Theo tính toán, với phương án điều chỉnh này, ACV có thể tăng doanh thu thêm 1.081 tỷ đồng/năm.
Dù ghi nhận được kết quả kinh doanh hết sức khả quan, nhưng tại ĐHCĐ thường niên vừa qua nhiều cổ đông vẫn hết sức lo lắng về tương lai của ACV. Nguyên nhân do HĐQT của doanh nghiệp này không có câu trả lời rõ ràng đối với 2 vấn đề nóng hiện tại, là bán cổ phần nhà nước và chuyển niêm yết cổ phần từ UPCoM lên HOSE.
Mặt khác, Thanh tra Bộ Tài chính cũng công bố nhiều sai phạm của ACV trong quá trình hoạt động về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế. Cụ thể, sau khi tiến hành thanh tra tại công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên cho thấy quản lý công nợ còn nhiều vấn đề. Thanh tra Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề nghị ACV phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước với số tiền hơn 321,8 tỷ đồng.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu tại ACV. Đáng chú ý là công tác cổ phần hóa, thoái vốn, ACV đã làm trái quy định với giá trị lên tới hơn 903 tỷ đồng, cần phải truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 692 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu ra sai phạm của ACV khi nhận bàn giao 7,63ha đất quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất mà không có sự tham gia của UBND TPHCM, là vi phạm quy định của Luật Đất đai. Nghiêm trọng nhất là việc ACV tính sai đơn giá, tính trùng chi phí, biện pháp thi công chưa đúng của các dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa.