“Nhà rùa học” bất đắc dĩ
Chúng tôi gặp PGS.TS Hà Đình Đức trong một căn phòng toàn sách. Ở tuổi 81, ông vẫn cần mẫn đọc, nghiên cứu, đóng góp ý kiến về các vấn đề sinh học. Bước vào căn phòng, không khó để nhận ra “lãnh địa” của “nhà rùa học”. Trên bàn phòng khách, bàn làm việc, những chú rùa con bằng đá được ông sưu tầm, trưng bày. Trên giá sách là những tập ảnh chụp về rùa các loại mà ông là tác giả hoặc sưu tầm. Trong máy tính, hàng nghìn tập tài liệu ảnh, tài liệu nghiên cứu, tham luận, báo cáo… về chủ đề rùa Hồ Gươm.
"Nhà rùa học" Hà Đình Đức vẫn cần mẫn nghiên cứu về rùa. |
Ông kể, ông đến với ngành công nghệ sinh học khá tình cờ. Năm 1959, khi thi vào Trường Đại học Tổng hợp, ông đăng ký Khoa Hóa học, nhưng khi có kết quả báo đỗ thì lại là Khoa Sinh học. Vậy là từ đó đến hết cuộc đời, ông gắn với các nghiên cứu về sinh học. Sau đó, cái duyên đến với “cụ rùa” cũng rất tình cờ. “Tháng 3/1991, trong một lần đi qua phố Hàng Khay, tôi nhìn thấy rùa nổi trên mặt hồ Hoàn Kiếm. Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh tượng đó, tự nhiên tôi có một cảm giác rất lạ, vừa thích thú, vừa cảm thấy chú rùa như thân thuộc với mình từ bao giờ. Tôi liền chạy đi gọi phóng viên Đài truyền hình Việt Nam ra ghi hình. Sau đó Đài truyền hình mời tôi nói chuyện về “cụ rùa”. Liền mạch đó, sẵn những kiến thức về công nghệ sinh học, tôi viết luôn bài “Hãi giữ gìn báu vật Hồ Gươm”. 7 tháng sau, Công ty Dịch vụ khai thác Du lịch thuộc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội mời tôi tham gia Dự án Khai thác hồ Hoàn Kiếm bảo vệ rùa. Thế là từ đó, mọi hoạt động của “cụ rùa” cứ thế lọt vào “tầm ngắm” nghiên cứu để rồi trong suốt 25 năm sau đó tôi thực hiện hàng chục nghiên cứu khác nhau về rùa Hồ Gươm”, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ.
PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, thực chất chuyên môn của ông là nghiên cứu về các loài chim, khỉ, vooc, bò xám… Các nghiên cứu về rùa Hồ Gươm chỉ là “tay ngang”, nhưng rồi lại gắn với cuộc đời làm khoa học của ông sau này.
“Nhà rùa học” đã từng miệt mài gõ cửa các cấp chính quyền, đề xuất các giải pháp để bảo vệ và giữ gìn cho “cụ” một môi trường sống an toàn. Còn nhớ năm 1992, khi Hà Nội rục rịch triển khai “Dự án nạo vét hồ Hoàn Kiếm bằng cơ giới” với quy mô lớn, đào 100.000m3 bùn đổ ra sông Hồng và bơm nước sông Hồng vào hồ Hoàn Kiếm. Nhận thấy nguy cơ làm xáo trộn môi trường, hệ sinh thái của “cụ”, ông lập tức gửi tờ trình lên cấp trên, nêu rõ tác hại của vấn đề này và đề xuất phương pháp nạo vét thủ công.
PGS.TS Hà Đình Đức. |
“Tôi có nhiều kỷ niệm với “cụ rùa”, nhiều cái dường như rất lạ. Vào khoảng năm 1996, tôi hay tin hình như “cụ rùa” bị thương, một vệt chém ngang trên cổ. Tôi và anh Dương Trung Quốc đã xem ảnh. Tôi thấy nhói ở tim. Nhiều lần khác khi “cụ rùa” bị bị thương vì lưỡi câu chùm dính trên mai. Tôi cũng có đề xuất với đội bảo vệ ở Hồ Gươm là nên cấm câu. Những bức ảnh “cụ rùa” bị thương tôi đều chụp lại.
Có người nói ở Hồ Gươm có 2 - 3 “cụ rùa”, nhưng từ khi tôi bắt đầu nghiên cứu cho tới lúc “cụ” ra đi, tôi khẳng định là Hồ Gươm chỉ có duy nhất một “cụ rùa”. Thậm chí, ngay cả khi “cụ” yếu, mọi người cũng run khi quyết định đưa “cụ” lên. Thấy 2 vệt nước sủi tăm, nhiều người bảo có 2 “cụ rùa”, sau khi vớt “cụ” lên thì họ cho rằng còn một “cụ” khác, có thể to hơn. Thế nhưng, có đâu mà bắt. Cá nhân tôi nhận thấy, "cụ rùa" và các hành động của cụ khi còn sống thực sự rất khó lý giải”, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ.
Trong rất nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí từ hàng chục năm trước, PGS.TS Hà Đình Đức luôn bày tỏ nỗi canh cánh phải tìm nguồn bổ sung, vì ông khẳng định hồ Hoàn Kiếm chỉ có duy nhất một “cụ rùa”. Năm 2016 “cụ rùa” chết, ông cũng là người tư vấn làm tiêu bản để làm sao trông “cụ” giống nhất như khi còn sống. Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng hễ nghe tin ở đâu có hậu duệ của “cụ” là ông lại lên đường.
PGS.TS Hà Đình Đức chụp ảnh cùng rùa Hồ Gươm năm 2014. |
Nhớ phố cò ỉa, tiếng chim hót trên đường phố Hà Nội
PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, con người tác động vào thiên nhiên ngày càng nhanh, nhiều, dẫn đến những thay đổi chóng mặt. Còn nhớ hồi những năm 60 của thế kỷ XX, khi còn là sinh viên năm thứ 3, ông làm đề tài khảo sát chim ở Hà Nội do cố GS Võ Quý hướng dẫn. Khi ấy, dọc phố Lò Đúc – Phan Chu Trinh đến đầu Nguyễn Công Trứ ông đếm được có đến 135 tổ cò và vạc làm tổ trên các cây sao đen. Phố Lò Đúc khi đó còn có tên là phố cò ỉa. Khi đó, cò ỉa trắng cả đường, cả phố xáo động vì tiếng cò. Hệ sinh thái lúc đấy rất phong phú, động thực vật dồi dào. Đến khoảng trước những năm 70 thì do chiến tranh bắn phá rồi tác động của con người khiến các tổ cò này không còn nữa. “Sau đó tôi có viết bài nhớ tiếng chím hót trên đường phố Hà Nội. Đến bây giờ nhìn lại thì thực sự nhớ Hà Nội của những ngày xa vắng, với hệ động thực vật phong phú, có khi nhiều hơn cả con người. Sau này khoảng những năm 90 tôi sang Trung tâm Bảo tồn Sinh học ở Thái Lan, thấy chim chóc đầy đường, mới thấy tiếc rẻ cho hệ sinh thái của Hà Nội đã biến mất”, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ.
Ông kể, những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, ông nghiên cứu về thú rừng, theo dõi sinh hoạt của thú hoang dã, phải trèo đèo lội suối vất vả cả tháng trời, nhưng không khó để tìm được các cá thể hoang dã trong tự nhiên. “Lúc ấy thú rừng nhiều năm, đi điều tra, nghiên cứu, theo dõi, chỉ sợ thú rừng tấn công. Sau này thì muốn tìm hiểu loài nào, chỉ có cách tìm đến các tiêu bản trong bảo tàng. Điều này thực sự đáng tiếc cho các thế hệ nhà khoa học sau, khi không còn thực tế sinh động để trải nghiệm, nghiên cứu nữa”, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ. Từ kết quả nghiên cứu của các chuyến thực địa, PGS.TS Hà Đình Đức cũng là người đưa ra danh sách các loài khỉ đầu tiên ở Việt Nam.
Cả cuộc đời PGS.TS Hà Đình Đức gắn bó với Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn còn rất nhiều trăn trở với loài rùa Hoàn Kiếm. Mới đây các nhà khoa học đã phát hiện ra vẫn còn tồn tại ít nhất 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh (Hà Nội), mở ra cơ hội bảo tồn loại rùa này. PGS.TS Hà Đình Đức cũng đã đến tận nơi xem cá thể rùa bẫy được này. Ông bảo dù kết quả giám định gene trùng khớp với rùa Hồ Gươm, nhưng ông vẫn còn rất băn khoăn. Bởi về hình thái bên ngoài thì cá thể rùa ở hồ Đồng Mô và Xuân Khai không giống “cụ rùa” Hồ Gươm như ông vẫn biết từ trước đến nay.
Các công trình nghiên cứu về rùa Hồ Gươm
của PGS.TS Hà Đình Đức
1. Nghiên cứu sơ bộ hiện trạng Hệ sinh thái Hồ Gươm, nhằm bảo tồn và phát triển đàn rùa quý và cải thiện cảnh quan môi trường (tháng 4/1993).
2. Nghiên cứu hình thái, sinh thái loài Rùa Hồ Gươm, tình trạng chất lượng nước, hệ vi tảo Hồ Gươm,nhằm bảo tồn, phát triển đàn rùa quý và cải thiện cảnh quan môi trường (tháng 6/1994).
3. Điều tra môi trường hồ Hoàn Kiếm, sinh thái rùa hồ Hoàn Kiếm và tìm những giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái (12/1999).
4. Nghiên cứu loài rùa quý Hồ Gươm (năm 2001, đề tài do FORD Motor Company tài trợ).
5. Nghiên cứu bảo tồn rùa Hồ Gươm (Thực hiện năm 2003 do Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (CETASD), Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội).
6. Phục hồi và ổn định bền vững môi trường hồ Hoàn Kiếm Hà Nội – Dự án khả thi (Hợp tác với CHLB Đức năm 2008 - 2009).
7. Bảo vệ nguồn gene vi tảo (microalagae) đặc hữu quý hiếm ở hồ Hoàn Kiếm (năm 2002).