Một công đoạn xử lý máu
Ý tưởng trong mẩu giấy nhỏ
GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ, nhu cầu về máu ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo là nhu cầu rất cấp thiết, nhưng lại không được quan tâm đúng mức và cũng chưa có kế sách gì. Trong khi đó, để trang bị mỗi nơi một chiếc máy bảo quản máu thì kinh phí rất tốn kém, chưa kể khả năng máu để lâu dễ bị hỏng.
Đó là điều ông trăn trở trong nhiều năm làm về công tác truyền máu. Viện Huyết học và Truyền máu TW đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát tại các địa phương này để xây dựng một mô hình tổ chức truyền máu phù hợp.
Ông đã xin Bộ Y tế cho thực hiện một đề tài cấp Bộ để nghiên cứu, triển khai và xây dựng các ngân hàng máu sống thông qua lực lượng hiến máu dự bị, để tổ chức dịch vụ truyền máu cho vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Đề tài đã hoàn thành xuất sắc.
Sau đó, đã xây dựng được những ngân hàng máu sống tại đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cát Bà, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Trường Sa và nhiều vùng sâu vùng xa khác như Điện Biên Đông, Đồng Văn, Bố Trạch, Tịnh Biên…
Hoạt động truyền máu ở những nơi này khác hoàn toàn đất liền, vấn đề quan trọng là phải xây dựng được ngân hàng máu sống dựa trên lực lượng hiến máu dự bị.
Những người này được lựa chọn là người có nhiệt huyết, tình nguyện, được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Hồ sơ của những người này được lưu giữ cẩn thận. Bất cứ khi nào cần truyền máu, những tình nguyện viên này sẽ được gọi đến để lấy máu.
Từ ngân hàng máu sống này, 3 năm trở lại đây, đã cứu được nhiều trường hợp bị bệnh hiểm nghèo như ở Đồng Văn (Hà Giang), Điện Biên Đông (Điện Biên), những bệnh nhân bị tai nạn, sốt xuất huyết, băng huyết, cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai nạn trên biển như bị đứt cánh tay.
Nhờ ngân hàng máu sống đó mà những bệnh viện lâu nay không dám mổ xẻ dù có bác sỹ, thì giờ đã làm được như ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ, ý tưởng thành lập ngân hàng máu sống đến với ông trong chuyến công tác tại Côn Đảo năm 2009.
Trong một hội thảo, khi đang bàn về những khó khăn trong truyền máu ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, trong đầu ông bỗng lóe lên ý tưởng, tại sao không biến mỗi người thành một “chiếc tủ lạnh” lưu giữ máu, thay vì phải đầu tư hàng nhiều tỉ đồng để mua những chiếc máy này.
GS.TS Nguyễn Anh Trí
Ông liền viết ra tờ giấy nhỏ, đưa cho TS Ngô Mạnh Quân (đồng tác giả cụm công trình) để giữ lại. Trở về Viện, ông liền tiến hành thực hiện ý tưởng bằng đề tài nghiên cứu cấp Bộ kể trên. Đến giờ, ông vẫn đùa, làm được như thế chính là nhờ mẩu giấy nhỏ viết nguệch ngoạc khi đó, mà đến giờ không biết để đâu mất rồi.
Không cho truyền máu vì sợ “con ma”
GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, thuyết phục người hiến máu không khó. Thậm chí nhiều người còn “hậm hực” vì không được chọn làm tình nguyện viên. Tình nguyện viên hiến máu chỉ cần có 2 yếu tố là phải có nhóm máu 0 và có sức khỏe tốt.
Đến các địa phương, khi nói đến hiến máu là người ta sẵn sàng ngay. Khi đến đảo Cồn Cỏ, chúng tôi tổ chức chọn lựa tình nguyện viên, có những người không được chọn bày tỏ sự “giận dỗi”, sao họ cũng khỏe mạnh, cũng nhiệt tình mà lại không được chọn. Rồi ở Lý Sơn cũng thế.
Ngân hàng máu sống ở trong cơ thể mỗi người, là an toàn nhất. Thử tưởng tượng, cả nước có 3600 hòn đảo lớn nhỏ thì chỉ cần 3000 cái tủ lạnh, thì chi phí đã kinh khủng rồi. Trong khi ngân hàng máu sống là “tủ lạnh” nhưng dùng được suốt đời. Mà máu thì dù có bảo quản cũng không để quá lâu được.
Nhưng oái oăm thay, ở một số vùng dân tộc ít người, thuyết phục người dân truyền máu còn khó hơn việc thuyết phục cho máu. TS Ngô Mạnh Quân kể, hồi nhóm công tác đang ở Điện Biên Đông (Điện Biên), có một sản phụ bị băng huyết do xảy thai, máu chảy xối xả.
Tình nguyện viên cho máu được gọi đến, nhưng gia đình sản phụ nhất quyết không cho truyền máu, sợ “con ma” nó vào người đi khắp cơ thể. Phải thuyết phục rất lâu, đưa ra các tình huống nguy hiểm nhất, từ chiều tới tận tối mịt thì người nhà sản phụ mới đồng ý cho truyền máu.
TS Ngô Mạnh Quân cho biết, trong truyền máu, không phải là cứ lấy một bịch máu cùng nhóm để truyền cho người cần máu là xong, mà có rất nhiều vấn đề khác nhau về kỹ thuật.
Ngân hàng máu sống khắc phục được nhiều hạn chế do không phải đầu tư hệ thống lưu trữ máu
Ví dụ để đảm bảo an toàn truyền máu về số lượng và ổn định trong từng thời điểm và địa phương khác nhau, cần phải nghiên cứu. Chất lượng máu để truyền cũng là vấn đề.
Lấy máu xong thì bịch máu đó chỉ là nguyên liệu đầu vào để truyền máu, để có các chế phẩm để truyền được thì phải sàng lọc bằng các công nghệ khác nhau để đảm bảo, máu truyền vào không lây truyền bệnh cho người bệnh như HIV, viên gan B, C…
Có tiền cũng không mua được
Một thành công của cụm công trình không thể không kể đến là sản xuất bộ panel hồng cầu để từ đó dùng để sàng lọc các kháng thể bất thường trong máu. Đây là đề tài cấp nhà nước của Viện nằm trong cụm đề tài.
Sáng tạo ở chỗ, bằng kỹ thuật này, có thể tìm ra tất cả hệ thống kháng nguyên của người Việt, mà có muốn tìm mua ở nước ngoài cũng không có. Dùng chính các kháng nguyên này để phát hiện ra các kháng thể đặc thù của người Việt, của các dân tộc Việt Nam, với giá thành rẻ, bảo quản lâu.
Nếu không tự nghiên cứu mà đi mua, thì có thể mua được với giá cao hơn khoảng 50%, nhưng quan trọng nhất là kháng thể đó không phải là kháng thể của người Việt Nam, nên có thể nói có tiền cũng không thể mua được. Nên dù có mua về, cũng không phát hiện được kháng thể. Đó là thành quả đặc biệt.
GS Phạm Gia Khánh đã đánh giá đây là thành công rất to lớn, đảm bảo cho việc truyền máu bước sang một giai đoạn hoàn toàn mới về mặt miễn dịch.
“Những người truyền máu nhiều lần có nguy cơ xuất hiện những kháng thể bất thường, truyền máu vào sẽ không có hiệu lực, rất có hại cho bệnh nhân. Với bộ panel này, có thể phát hiện bệnh nhân có kháng thể bất thường không, định danh được nó là kháng thể gì. Với 32 hệ nhóm máu khác nhau của người thì phải xác định nó thuộc hệ nhóm máu nào”, TS Ngô Mạnh Quân cho biết.
Hiện, Việt Nam cũng đang làm chủ các công nghệ nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm máu. Trước đây chúng ta mới chỉ truyền máu toàn phần, nhưng công nghệ này đã bỏ từ lâu, mà mỗi đơn vị máu được tách ra các thành phần khác nhau.
Ví dụ bệnh nhân tan máu bẩm sinh sẽ được truyền hồng cầu, bệnh nhân sốt xuất huyết, rong kinh, thì chỉ cần truyền tiểu cầu, bệnh nhân rối loạn đông máu thì chỉ cần truyền huyết tương, hoặc bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, truyền kháng sinh không có hiệu quả thì người ta truyền bạch cầu thôi.
Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã làm chủ được công nghệ sản xuất các chế phẩm này với tiêu chuẩn quốc tế, cứu chữa nhiều người bệnh.
Cụm công trình khoa học về an toàn truyền máu có tên “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và dảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” của nhóm tác giả GS.TS Nguyễn Anh Trí, PGS.TS Bùi Thị Mai An, TS Ngô Mạnh Quân, BSCKII Phạm Tuấn Dương và PGS.TS Bạch Khánh Hòa.
Được thực hiện từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2015, đây là cụm công trình rất đồ sộ với đầy đủ các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc các cấp, bao gồm 01 dự án thử nghiệm cấp Nhà nước (thuộc chương trình trọng điểm quốc gia cấp Nhà nước giai đoạn 2006-2010), 04 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ và 46 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở.
Đây là cụm công trình xuất phát từ thực tiễn, ứng dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến cả về chuyên môn kỹ thuật và cả tổ chức hệ thống của quốc tế, có sự sáng tạo và cải tiến cho phù hợp với hoàn cảnh nước ta để phục vụ cho thực tiễn Việt Nam.
Tô Hội