Chuyện kể về Thành hoàng làng Hà Nội – Kỳ 12: Làng thờ ba vợ chồng

Vợ chồng tướng quân Trần Công Tích, Hồng Nương và Quế Nương là những người có công giết giặc trong chiến tranh Tống – Việt đã được làng Trung Nha tôn làm Thành hoàng làng.

Sự tích làng Nghè

Ông Lại Phú Trường, 70 tuổi là một cao niên am hiểu sử làng, cho biết: Làng Trung Nha có tên chữ là Nghè. Đó là một thôn của xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm cũ, nay thuộc phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy – Hà Nội).

Theo ông Trường, có khá nhiều thuyết giải thích về tên làng Nghè. Một thuyết cho rằng, sau khi ông Đoàn Nhân Thục, người trong làng đỗ Tiến sĩ năm 1502 làm quan Hiến sát sứ, được cấp lộc điền lập dinh cơ tại đây để ở nên người trong vùng gọi là làng Nghè.

Một thuyết khác nói rằng, do trong làng có họ Lại có nghề làm giấy sắc từ đời vua Lê Thần Tông. Mà nghề này có động tác phải ghè, tức nện giấy cho nhuyễn nên dân gian gọi chếch đi là làng Nghè.

Chuyện kể về Thành hoàng làng Hà Nội – Kỳ 12: Làng thờ ba vợ chồng ảnh 1
Cổng làng Nghè với ba chữ “Trung Nha môn”.

Làng Nghè là nơi đông dân nhất trong bốn làng thuộc xã Nghĩa Đô cũ, nhưng cũng ít ruộng nhất. Dân sống chủ yếu bằng các nghề thủ công như dệt lĩnh, dệt lụa và làm giấy sắc. Loại giấy này khổ to dày, màu vàng chuyên để Bộ Lễ thời phong kiến thay mặt vua viết bản phong chức cho các quan và phong tước hiệu cho các vị thần.

Ông Trường cho biết: Theo sử làng chép lại thì nghề này được một người họ Lại, gốc Thanh Hóa làm con rể chúa Trịnh Tráng đến ở làng Trung Nha. Người họ Lại giỏi làm giấy bản nên sau này con cháu đã cải tiến kỹ thuật làm giấy bản thành giấy sắc.

Các cao niên còn cho biết thêm, làng Nghè nổi tiếng với khoa bảng. Ngoài Tiến sĩ Đoàn Nhân Thục, thì còn Nguyễn Lan đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn đời vua Lê Thánh Tông, làm đến chức Hình khoa cấp sự trung. Ngoài ra, còn có Nguyễn Hanh đỗ Hương Cống năm 1776, làm Tri huyện Tam Nông (Phú Thọ); Nguyễn Đức Toàn đỗ Võ Cử nhân làm quan dưới thời chúa Trịnh Doanh và Trịnh Sâm, sau theo nhà Tây Sơn – Nguyễn Huệ.

“Làng Nghè xưa có quy định khi trong làng có cụ già qua đời, các bô lão phải xem xét lý lịch của người chết nếu trong cả cuộc đời là người tốt thì làng ban cho tấm biển “Trung Tín” đối với nam, “Trinh Thuận” đối với nữ”, ông Trường cho biết.

Chiếu theo quy định đó, nếu là người xấu, vi phạm các quy định của làng thì không có biển rước trong đám tang. Về tục cưới, làng quy định con gái lấy chồng trong làng thì nộp 100 viên gạch, lấy chồng làng khác nộp 200 viên để lát đường làng.

Nhất gia tam thánh

Theo bản thần tích làng Trung Nha: Vào năm 981, tướng Trần Công Tích quê ở trang Đông Lộc, phủ Khoái Châu, nay thuộc tỉnh Hưng Yên theo lệnh vua Lê Đại Hành đem 500 tinh binh đến đóng ở ấp Phượng Đảo, tức vùng Nghĩa Đô gần thành Đại La để luyện quân và tuyển quân lên biên giới chống lại giặc Tống.

Chuyện kể về Thành hoàng làng Hà Nội – Kỳ 12: Làng thờ ba vợ chồng ảnh 2
Cây đa với dáng hình yên ngựa.

Lúc này trong làng có hai chị em là Hồng Nương và Quế Nương con nhà ông Lê Nghiêm và bà Nguyễn Thị Minh. Hai nàng vừa xinh đẹp lại nết na, tháo vát. Tướng Trần Công Tích mở cuộc thi nấu cơm để chọn ra những cô gái nhanh nhẹn hoạt bát phục vụ hậu cần cho đại quân. Hai chị em Hồng, Quế ứng thi và được chọn trở thành hai nữ tướng.

Chủ tướng giặc Tống là Hầu Nhân Bảo đưa quân tiến sâu vào lãnh thổ Đại Cồ Việt. Quân ta chống trả rất ác liệt. Cánh quân hùng mạnh của Trần Công Tích được sự cố vấn của hai nữ tướng đã giành nhiều thắng lợi. Tướng giặc Hầu Nhân Bảo bị chém tại trận, quân xâm lược như rắn mất đầu tan tác bỏ chạy về nước.

Trước chiến công to lớn đó, tướng Trần Công Tích kéo quân về doanh trại Nghĩa Đô, viết sớ tâu triều đình xin ban thưởng quân sĩ, đặc biệt lưu ý công lao của hai nữ tướng dưới quyền là Hồng Nương và Quế Nương. Sau đó, Trần Công Tích kết duyên phu thê với hai bà.

Nhưng đến ngày 25/11, hai nàng không bệnh mà cùng hóa. Được tin, vua Lê rất đau buồn. Để thưởng công hai nàng, nhà vua truy phong Hồng Nương là “Hoàng hậu đoan trang tôn linh công chúa” và Quế Nương là “Phu nhân ý thiên tôn linh công chúa”. Đồng thời cho dân dựng đền trên gò con Phượng để thờ tự. Khi tướng quân Trần Công Tích qua đời, dân làng lập làm Thành hoàng và phối thờ cùng hai bà.

Ngoài ra, triều đình còn truy thưởng công lao song thân phụ mẫu của hai nàng. Ngôi nhà của họ trở thành đình Trung Nha thờ hai cụ Lê Nghiêm và Nguyễn Thị Minh.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, ba vợ chồng Trần Công Tích được nhân dân nhớ ơn lập làm Thành hoàng làng của Trung Nha, thật là “nhất gia tam thánh”.

Mất đình, may còn cổng

Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương, làng Trung Nha vốn có đến 3 di tích gồm: đền, đình và cổng làng. Đây là ba di tích quý của Hà Nội gắn với nhiều sự kiện lịch sử.

 “Làng Nghè hàng năm mở hội vào tháng hai âm lịch. Trong hội có rước giao hiếu sắc phong và biển “Mỹ tục khả phong”. Đặc biệt, trong hội có trò thổi cơm thi diễn lại sự tích tướng quân Trần Công Tích chọn các cô gái có tài nấu nướng phục vụ quân đội trong cuộc chiến chống quân Tống”.

— ông Lại Phú Trường —

Tuy nhiên, theo ông Lại Phú Trường và các cao niên làng Trung Nha thì đền ngày càng bị lấn chiếm, đình thì đã bị giải tỏa để làm đường vành đai 2. Chỉ còn lại cổng làng và cây đa cổ thụ nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Chuyện kể về Thành hoàng làng Hà Nội – Kỳ 12: Làng thờ ba vợ chồng ảnh 3
Bia Hạ Mã bên cổng làng Nghè.

Theo ông Trường, tài liệu ghi lại cổng làng Trung Nha chính là nơi tu luyện của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây cũng chính là nơi đầu tiên của thành Thăng Long xưa đón rước Lý Công Uẩn dời đô từ Thăng Long về Hà Nội.

“Lý Thái Tổ đi lên thành Thăng Long bằng đường sông, từ sông Hoàng Long di chuyển lên sông Hồng rồi qua sông Thiên Phù mới vào kinh thành. Do đó, chính dân chúng Trung Nha ngày xưa là những người Thăng Long đầu tiên tổ chức đón Lý Công Uẩn”, ông Trường cho biết.

Ông Trường dẫn chúng tôi ra cổng làng. Ngôi cổng cổ đã được tu sửa lại cho mới. Làm mới di tích nhẽ ra là điều cấm kỵ, nhưng theo ông Trường và người làng Trung Nha, nếu không làm mới thì người ta sẽ san phẳng và chặt luôn cả cây đa đi. Vì thế, mất đình mà vẫn may là còn giữ lại được cái cổng.

Ngay trước cổng làng có một tấm bia, được gọi là bia Hạ Mã. Chữ trên bia đã mòn vẹt, phải sờ tay mới nhận ra những nét chữ nho. Còn cây đa thì không ai biết rõ đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết thân to và cao hơn tòa nhà. Ở trên, có một nhánh vươn nối hai phần rễ cây trông như cái yên ngựa.

(Còn nữa)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top