Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Trương Văn Phước nhận định, xu hướng tăng giá nhanh và mạnh của vàng hiện nay phản ánh thực tế từ những căng thẳng của tình hình thế giới và quan điểm nhất quán của chính quyền Tổng thống Mỹ về việc duy trì một đồng USD yếu. So với cách đây khoảng 5 tháng, giá vàng thế giới tăng 10 - 11,3%. Mức tăng này phản ánh tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên quan đến vấn đề vũ khí hạt nhân đang đẩy vàng lên vị trí là nơi trú ẩn an toàn nhất của giới đầu tư.
Mặt khác, từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền (1.2017) đến nay, quan điểm về duy trì lãi suất thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và một đồng USD yếu đi là không thay đổi. Ngân hàng Trung ương Mỹ thời gian qua dè dặt không đặt vấn đề tăng lãi suất, thậm chí phát ra tín hiệu có thể giảm lãi suất 1-2 lần từ nay đến cuối năm, đó là những yếu tố khiến giá vàng tăng mạnh thời gian qua.
Xu hướng tăng của giá vàng trong nước theo diễn biến tăng của thị trường vàng thế giới là tất yếu. Tuy nhiên, điều mà thị trường cũng như các nhà đầu tư và người dân đang phải ngắm tới là xu hướng của vàng sắp tới như thế nào. Bởi bất cứ một tài sản tài chính nào dù đó là vàng hay chứng khoán, ngoại tệ đều phải tuân thủ 2 nhóm yếu tố tác động là căn bản và kỹ thuật.
Về yếu tố kỹ thuật, vàng hay tài sản tài chính nào tăng giá nhanh quá, mạnh quá sẽ đến thời điểm chững lại và điều chỉnh. Câu hỏi khó là giá vàng sẽ điều chỉnh đến mức độ nào phải xem xét dựa trên các nhóm yếu tố căn bản, đó là vấn đề xung đột giữa Mỹ và Iran, vấn đề chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ được xử lý như thế nào trong các cuộc gặp sắp tới tại Hội nghị G20. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm 2020 đang bắt đầu khởi động cũng sẽ có những tác động làm ảnh hưởng đến giá vàng.
Các yếu tố kỹ thuật có thể điều chỉnh giá vàng đi xuống, nhưng đi xuống đến đâu rồi lại tăng lên đến mức nào thì khó dự đoán. Thường sau khi điều chỉnh xuống một thời gian, giá vàng nếu có tăng thêm nữa cũng không còn nhiều so với thời điểm hiện nay.