Chuyên gia mách cách xử lý đúng khi bị mề đay

Nổi mày đay hay bệnh mề đay là hiện tượng xuất hiện những thương tổn ban đỏ, sẩn phù, rất ngứa. Đây là một phản ứng của làn da khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

Theo ThS.BS Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng Khoa khám bệnh - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mề đay là một phản ứng cấp hoặc mãn tính của mao mạch do dị ứng gây phù ở da và niêm mạc.

Biểu hiện là các dát đỏ, sẩn phù xuất hiện nhanh, mất đi nhanh, có thể không để lại dấu vết trên da.

Nguyên nhân mề đay

Căn nguyên bệnh mề đay rất phức tạp: nguyên nhân bên trong, bên ngoài (do thức ăn, do thuốc, do côn trùng, do nhiễm trùng,...); mày đay do hóa chất, mày đay vật lý (do stress, do quá lạnh, quá nóng, do nước,...); mày đay hệ thống; mày đay do di truyền; mày đay tự phát (không rõ nguyên nhân)

Vì có quá nhiều nguyên nhân gây bệnh nên khi bị nổi mề đay, người bệnh cần dừng tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng; tránh gãi, chà xát mà chỉ nên xoa nhẹ; tắm nước ấm, tránh tắm quá nóng hoặc quá lạnh; mặc quần áo cotton nhẹ nhàng; tránh các hoạt động nặng ra mồ hôi; sử dụng các sản phẩm tắm gội phù hợp cho làn da;...

Với trường hợp mề đay do thời tiết lạnh như hiện nay, ThS.BS Giang khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm, đi giày đi tất ...tránh tiếp xúc với lạnh đột ngột. Trong sinh hoạt nên mặc áo có chất vải mềm, không nên mặc quần áo quá bó sát cơ thể hoặc những loại vải có lông, sợi tơ cứng ...

Khi điều trị mề đay, tùy vào tình trạng bệnh các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể. Nếu nhẹ có thể dùng thuốc từ liều thấp đến liều cao. Còn nặng như xuất hiện tình trạng phản vệ thì phải cấp cứu, sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa.

Chuyên gia mách cách xử lý đúng khi bị mề đay ảnh 1

Chuyên gia mách cách xử lý đúng khi bị mề đay

Cách xử trí đúng khi bị mề đay

Ngừng ngay tiếp xúc với dị nguyên nghi ngờ: ví dụ sau ăn hải sản, đồ ăn lạ, thuốc, hóa chất, nước hoa, phấn hoa, côn trùng…

Nên nhanh chóng đến khám tại các trung tâm có đầy đủ phương tiện cấp cứu khi: đột ngột khó thở, đau bụng, đi ngoài liên tục, hoặc mệt mỏi, ngất xỉu hay sốt cao

Nên có 1 quyển sổ ghi chép đầy đủ các thông tin ngày giờ sử dụng các loại thuốc, thức ăn, hóa chất nghi ngờ, hay xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau mỏi cơ khớp giống cúm, hay nhiễm trùng hô hấp trên như ho hắt hơi, sổ mũi, ngày giờ xuất hiện mề đay, hay phù mạch.

Từ đó có thể cùng nhân viên y tế kiểm tra thông tin, xác định dị nguyên nghi ngờ và tránh tiếp xúc với các dị nguyên đó.

Bất cứ trường hợp nào khi đi khám bệnh lý về da liễu hoặc không liên quan đến da liễu cũng cần cung cấp thông tin đầy đủ đến nhân viên y tế về tiền sử mề đay và nguyên nhân nghi ngờ.

Không nên tự ý điều trị, hãy đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.

Theo Đời sống
back to top