<div> <p>Các tuyến đường Hà Nội dự kiến phân làn riêng cho xe buýt vào năm sau, gồm Nguyễn Trãi - Trần Phú (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng - Hà Đông dài 5 km); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt 4,7 km; tuyến Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9 km; tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm 9,6 km.</p> <p>Ông Bùi Danh Liên, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng hạ tầng giao thông ở thủ đô hiện chưa đáp ứng được kế hoạch trên, vì mặt đường hẹp, nhiều đường ngang và đèn ưu tiên, thẻ vé điện tử xe buýt chưa liên thông...</p> <p>"Nếu tách làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ dẫn tới ùn tắc nặng hơn. Hà Nội nên lùi thời gian thực hiện kế hoạch này để chuẩn bị tốt hơn các điều kiện hạ tầng", ông Liên nói.</p> <p>Ngoài ra, theo ông Liên, trong tương lai khi Hà Nội tách làn đường riêng cho xe buýt thì phải thực hiện nghiêm quy định phân làn, tránh tình trạng các phương tiện khác thường xuyên lấn làn, đi vào đường dành riêng cho xe buýt nhanh như hiện nay tại tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Trên đường Tố Hữu chiều tối 18/9, các phương tiện đi vào làn đường riêng cho xe BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa. Ảnh: Võ Hải." src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/20/du-o-ng-brt-4341-1568880202.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Trên đường Tố Hữu chiều tối 18/9, phương tiện đi vào làn đường riêng cho xe BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa. Ảnh: <em>Võ Hải.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, cũng cho rằng năm 2020 chưa phải là thời điểm thích hợp để Hà Nội triển khai thêm các tuyến đường có làn dành riêng cho xe buýt.</p> <p>Ông Thủy phân tích, các tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú, Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến thường xuyên ùn tắc, còn xe buýt thì chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. "Như vậy đa số người dân đang sử dụng phương tiện cá nhân, đường chật hẹp mà lại phân làn cho xe buýt là không hợp lý", ông nói.</p> <p>Hà Nội từng đặt chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng năm 2020 đạt 20-25% nhưng đến nay khó đạt được, người dân chưa mặn mà với xe buýt vì đợi xe lâu, đi chậm. "Tôi nghĩ ít nhất phải 5-10 năm nữa mới cần xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt", ông Thủy nói và khuyến cáo Hà Nội cần tính toán kỹ lưỡng, tránh việc làm xong không phù hợp phải phá dỡ gây lãng phí.</p> <p>Có quan điểm khác với hai vị chuyên gia nêu trên, tiến sĩ Phan Lê Bình (giảng viên Đại học Việt Nhật) cho rằng việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt nên được thực hiện sớm và "lẽ ra Hà Nội phải làm đồng bộ từ 10 năm trước". Nếu đợi đủ mọi điều kiện về hạ tầng mới phân làn đường cho xe buýt thì sẽ không bao giờ thực hiện được.</p> <p>"Trước mắt, việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ gây ùn tắc giao thông, nhưng đó là ùn tắc cần thiết để người dân bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, chuyển sang giao thông công cộng", ông Bình nói. </p> <p>Đánh giá về các thử nghiệm trước đây của Hà Nội, tiến sĩ Bình cho rằng làn đường đầu tiên dành cho xe buýt trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng) mở năm 2008 là nửa vời, vì vẫn có nhiều đoạn đi chung với các phương tiện giao thông khác, dẫn đến thử nghiệm không hiệu quả. Làn đường dành riêng cho xe buýt này sau đó bị xóa bỏ để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.</p> <p>Hà Nội hiện chỉ có một tuyến đường dài 1,3 km dành riêng cho xe buýt thường, bắt đầu từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên - Nghi Tàm - Yên Phụ. Ngoài ra, cuối năm 2016, Hà Nội khai trương tuyến buýt nhanh với quãng đường khoảng 14,7 km từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa với làn đường ưu tiên. Tuy nhiên, tuyến BRT này cũng có nhiều đoạn xe buýt nhanh đi chung với các phương tiện giao thông khác.</p> <div> <p>Thủ đô có gần 2.000 xe buýt (buýt trợ giá là 1.600 xe), tốc độ bình quân khoảng 23,8 km/h nhưng đa số các tuyến nội thành tốc độ bình quân chỉ đạt 16 km/h. Ngoài 27 điểm ùn tắc chưa được xử lý, qua điều hành thực tế trên tuyến, số điểm ùn tắc ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt lên tới 40 điểm.</p> <p>Mỗi ngày xe buýt ở Hà Nội vận chuyển khoảng 1,2 triệu khách, chiếm hơn 12% thị phần vận tải ở thủ đô, bao phủ 100% quận huyện, 87% các bệnh viện, 67% trường học, 100% khu công nghiệp và khu đô thị.</p> <p>Số liệu của Sở Giao thông Vận tải cho biết, trong 6 tháng đầu năm trên đường Quang Trung (Hà Đông) bình quân mỗi giờ có hơn 300 phương tiện, trên đường Tố Hữu có trên 700 phương tiện chạy vào làn đường dành riêng cho BRT.</p> </div> </div> <p> </p>