Chuyên gia chỉ rõ lý do tử vong khi chạy bộ

Hà Nội vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong khi đang chạy bộ ngoài trời vào ngày 15/10. Thực tế thế giới cũng ghi nhận không ít trường hợp tử vong trên đường chạy. Tại sao như vậy?

Tối 15/10, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, người xung quanh liền gọi cấp cứu, đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhưng không qua khỏi. Anh được xác định đã tử vong ngoại viện.

BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết không ít trường hợp tử vong đáng tiếc khi chạy bộ hay các hoạt động thể thao mang tính cạnh tranh do đột quỵ tim.

“Nhiều trường hợp mắc bệnh lý tim mạch không có triệu chứng. Khi người bệnh hoạt động gắng sức phải lấy năng lượng nhiều hơn, tăng chuyển hóa cơ bản, mất nước và điện giải khiến những bệnh lý tim mạch tiềm ẩn bị khởi kích, như loạn nhịp nguy hiểm hoặc kích thích nghẽn đường ra thất trái trong bệnh cơ tim phì đại…, hậu quả ngừng tim phổi, đột tử nếu không cấp cứu kịp thời. Việc sơ cứu, cấp cứu cần nhanh, đúng quy trình và chuyên môn”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Để phòng ngừa các tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra, bác sĩ Hưng khuyến cáo khuyến cáo trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt đòi hỏi sức bền, người dân đều cần phải kiểm tra thể lực bao gồm kiểm tra tổng quát và kiểm tra thể lực, kiểm tra chuyên sâu tim mạch, hô hấp, tuần hoàn.

Theo TTƯT.TS Lê Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, trên thế giới cũng từng ghi nhận không ít trường hợp tử vong trên đường chạy. Các trường hợp đột tử ở những người trẻ sau khi gắng sức thường do 2 lý do chính là đột quỵ tim và đột quỵ não.

Tiến sĩ Diễm Tuyết lưu ý thêm, vào mùa lạnh, khi chạy hoặc chơi thể thao, thể dục phải lấy năng lượng nhiều hơn, tăng dòng máu vào cơ tim nhiều hơn, nên nguy cơ ngừng tuần hoàn, đột tử có thể xảy ra, đặc biệt với người có bệnh lý tim mạch, hô hấp tiềm tàng.

Chính vì vậy, người dân cần khởi động kĩ càng trước khi tập luyện và vận động tăng dần. Đặc biệt, việc tập luyện thể dục, chơi thể thao, chạy bộ cần là hoạt hoạt động thường xuyên để giúp cơ thể có thói quen vận động, cũng như nâng cao sức khỏe tim mạch và thể lực.

Ngoài ra các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi tập luyện thể chất, người dân cần phải "lắng nghe cơ thể". Nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… phải đi khám và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
back to top