<div> <p style="text-align: justify;">Theo<em> New York Times</em>, nghiên cứu mới được công bố hôm 29/6 do WHO cùng các nhà khoa học Anh và <span>Trung Quốc</span> tiến hành cảnh báo cần có biện pháp kiểm soát "khẩn cấp" chủng mới của virus H1N1 đang lây lan trên diện rộng tại các trang trại nuôi lợn ở Trung Quốc để tránh nguy cơ xảy ra đại dịch mới.</p> <p style="text-align: justify;">Các nhà khoa học cho biết chủng mới của virus H1N1 có tên G4 EA đã trở nên phổ biến tại các trang trại ở Trung Quốc từ năm 2016. Nghiên cứu cho thấy chủng mới của virus rất dễ lây cho con người dù không gây ra tình trạng bệnh tật, với 10,4% công nhân trang trại và 4,4% người sống ở khu vực lân cận dương tính với chủng mới của virus.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="nguy co dai dich moi virus H1N1 anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/01/znews-photo-zadn-vn_g4_h1n1.jpg" title="nguy cơ đại dịch mới virus H1N1 ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p style="text-align: justify;">Chủng mới của virus H1N1 đang lây lan mạnh ở Trung Quốc. Ảnh: <em>NIAID</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;"><span>Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình trạng "vô hại" của virus đối với con người có thể thay đổi bất cứ lúc nào.</span></p> <p style="text-align: justify;">"Có khả năng khi xuất hiện những biến đổi, virus có thể trở nên ác tính hơn trong cơ thể con người như cách xảy ra với virus SARS-CoV-2", giáo sư Ian Brown, Giám đốc khoa Virus học, Cơ quan Thú y và thực vật Anh, nhận xét.</p> <p style="text-align: justify;">Trong khi đó, Giám đốc khoa Truyền nhiễm nhi khoa thuộc Bệnh viện Đại học quốc gia <span>Đài Loan</span> Li Min Huang cho biết bước quan trọng tiếp theo hiện nay là xác định khả năng chủng mới G4 lây nhiễm từ người sang người, đặc điểm cơ bản của một virus có nguy cơ cao gây ra đại dịch.</p> <p style="text-align: justify;">"Chủng G4 có tất cả những đặc trưng cần có của một ứng viên virus gây ra đại dịch, vì vậy biện pháp kiểm soát sự lây lan trên lợn cũng như giám sát tác động với con người cần được thực hiện khẩn cấp", nghiên cứu mới công bố kết luận.</p> <p style="text-align: justify;">Các chủng khác nhau của virus H1N1 đã lây lan trên lợn ở châu Âu và châu Á trong hàng thập kỷ. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm chủng G4 tại đàn lợn tại các trang trại ở Trung Quốc gây ra triệu chứng hô hấp gia tăng từ năm 2014 đến nay đang trở thành dấu hiệu đáng lo ngại, theo các chuyên gia.</p> <p style="text-align: justify;">Virus H1N1 từng gây ra đại dịch năm 2009, tuy nhiên có tỷ lệ tử vong tương đối thấp, chỉ khoảng 0,02%.</p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>