Tại hội thảo Báo cáo quốc gia 2020 vè thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh GreenID cho rằng, quá trình chuyển đổi từ phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch sang phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là tất yếu. Đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, tăng cường tiếp cận năng lượng với mức chi phí hợp lý, tạo ra công ăn việc làm mới và có chất lượng cho các cộng đồng bị tác động bởi quá trình chuyển dịch.
Hiện năng lượng tái tạo toàn cầu đã đạt đến ngưỡng “không còn đường lui”, công suất và đầu tư cho năng lượng tái tạo tiếp tục tăng nhanh hơn năng lượng hóa thạch và hạt nhân. Năng lượng tái tạo đang dần cạnh tranh hơn với các dạng năng lượng hóa thạch ở quy mô thương mại. Hơn 50% công suất năng lượng tái tạo mới bổ sung năm 2019 có chi phí sản xuất điện rẻ hơn so với nhà máy điện than mới. Nhiều nước chuyển sang áp dụng cơ chế đấu thầu, gọi thầu cạnh tranh để hỗ trợ các dự án điện tái tạo tập trung quy mô lớn…
Do đó, cần xây dựng cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa cho năng lượng hóa thạch. Đa dạng hóa các loại nguồn năng lượng, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch. Có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế nhất là tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, tạo thị trường cạnh tranh, minh bạch. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ và nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch đốt than.