Chuyện chiếc khèn và cái “lý” của người Mông

Người Mông quan niệm, không biết thổi khèn là không biết cái “lý” của người Mông...

Nhà không có thầy khèn dễ bị coi thường

“Gọi em bằng tiếng khèn, sao em mải mê hát chẳng nghe khèn anh gọi. Chập trùng đồi núi cao, tiếng lòng anh gọi bạn, sao em mải mê hát, chẳng nghe tiếng khèn anh”…

Đến “Cao nguyên trắng” Bắc Hà (Lào Cai) những ngày cuối năm, giữa những đào mận nở bung rực rỡ, váy áo sặc sỡ chợ phiên… chỉ một tiếng khèn Mông bay qua triền núi mà bỗng dưng như thấy cả mùa xuân cũng theo về.

Những giai điệu dìu dặt, trầm bổng, khiến người ta nghĩ tới chợ tình, tới đôi lứa, khiến người ta muốn cất tiếng hát, muốn yêu, muốn say đắm, muốn gần bên nhau…

khen-mong-thieu-nu-2.jpg
Mùa xuân Bắc Hà về trên những đôi má hồng thiếu nữ và bước chân rộn ràng sức sống theo tiếng khèn.

Mùa xuân Bắc Hà về trên những đôi má hồng thiếu nữ và bước chân rộn ràng sức sống theo tiếng khèn. Thế nhưng, nghệ nhân Lý Seo Phỏng (xã Bản Phố, Bắc Hà, Lào Cai) chia sẻ, với người Mông, ý nghĩa quan trọng nhất của khèn là trong đời sống tâm linh, khi tiễn đưa người đã khuất sang bên kia thế giới, chứ không phải là trong tình yêu đôi lứa.

“Trong phong tục của người Mông, tiếng khèn được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh. Đó có thể là tiếng khèn mời gọi bạn chơi xuân, đi hội gầu Tào, xuống chợ, gọi bạn tình… Tiếng khèn cũng có thể là tiếng lòng cất lên mỗi khi có những tâm sự, nỗi buồn. Thế nhưng, quan trọng nhất, là trong đám tang”, ông Phỏng nói.

Ông Phỏng cho biết, khi trong nhà có người qua đời, nhất định phải đi mời thầy khèn, thường là 2 người. Các thầy khèn sẽ thực hiện nghi lễ cho gia chủ với những bài khèn khác nhau. Người Mông quan niệm, nếu không có tiếng khèn thì linh hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên.

khen-mong-2.jpg
Theo phong tục người Mông, khi gia đình có người mất, nhất định phải đi mời được thầy khèn.

Mở đầu đám tang, là bài đưa lối. Theo đó, thầy khèn sẽ hỏi xem người đó chết thật hay giả. Nếu chết giả thì quay trở lại cuộc sống vui vẻ trên trần gian. Còn nếu chết thật thì ngoảnh lại nghe khèn. Sau đó, là các bài khèn mời cơm, như sáng nay đến bữa sáng rồi, mời người chết dậy ăn sáng, rồi ăn trưa, ăn tối… Ngoài ra, mỗi khi có người đến viếng, các thầy khèn lại thổi một bài riêng cho phù hợp với hoàn cảnh. Một bài khèn kéo dài từ 15 - 30 phút và thổi liền 3 - 4 ngày diễn ra lễ tang.

Cùng với thổi khèn, các thầy khèn còn thực hiện các động tác múa: đi khom người, xoay vòng xung quanh quan tài, vừa thổi khèn vừa đi, dùng khèn để lạy người chết. Mọi người tham dự lễ tang cũng nhảy múa theo thầy khèn.

Trong đám giỗ tiếp sau đó 13 ngày, cũng phải tiếp tục mời thầy khèn, bởi thầy khèn là người chủ trì đám giỗ. Sau đám giỗ khi tổ chức thì linh hồn của người mất coi như đã được về thế giới bên kia và người Mông ít khi nhắc đến người mất.

khen-mong-3.jpg
Người Mông quan niệm, vị trí ngoài xã hội cao bao nhiêu mà gia đình không có người biết thổi khèn cũng vẫn mang mặc cảm thua kém.

Chính vì vai trò quan trọng của thầy khèn như vậy, mà trong dòng họ không có thầy khèn, thì phải mời thầy khèn từ bên ngoài đến giúp. Điều đáng nói, nếu mời thầy khèn từ dòng họ khác, thì đó là sự mất mát rất lớn của dòng họ và dòng họ đó sẽ bị coi thường.

“Dòng họ dù có người học cao, làm to đến bao nhiêu mà không có thầy khèn thổi trong đám tang thì cũng không được coi trọng”, ông Phỏng nói.

Lớp khèn đủ mọi lứa tuổi

Xuất phát từ mong muốn giữ lại được văn hóa bản sắc cho người Mông và từ chính thực tế, nhu cầu của bà con mà Câu lạc bộ khèn Mông Bắc Hà ra đời. Và điều đặc biệt, người sáng lập, chủ câu lạc bộ lại là một chàng trai 9X - Giàng A Hải.

khen-mong-giang-a-hai.jpg
Anh Giàng A Hải - người lưu giữ văn hóa cho người Mông.

Anh Hải chia sẻ, anh cũng là một người Mông “chính hiệu”, nhưng có một thuận lợi là được đi học tại Đại học Văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, những kiến thức đã học trong trường, cùng những trải nghiệm từ thực tế khiến anh nhận thức rõ được giá trị văn hóa của khèn Mông.

Đồng thời là một Bí thư Chi đoàn Thanh niên Trung tâm Văn hóa - thể thao - Truyền thông huyện Bắc Hà, anh đã có ý tưởng thành lập Câu lạc bộ (CLB) khèn Mông và khi anh đưa ra ý tưởng, đã được Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Bắc Hà ủng hộ.

khen-mong-lop-hoc(1).jpg
Lớp khèn Mông gồm rất nhiều những em nhỏ theo học.

Nói thêm về ý nghĩa của tiếng khèn Mông, anh Hải cho biết, khi trong nhà có người mất mà phải nhờ người của dòng họ khác đến làm lễ hộ thì không phải lúc nào cũng như ý.

Có khi người ta thích sẽ đến giúp mình, còn nếu không thích thì sẽ từ chối, dẫn tới tâm lý dòng họ nào không có thầy khèn sẽ có cảm giác bị chạm đến lòng tự trọng, tự ái. Hơn nữa, dù làm to ngoài xã hội đến mấy, thì khi về bản cũng vẫn phải chịu sự sai khiến của thầy khèn. Chính vì vậy, các gia đình thôi thúc, nhất định phải cho con em mình đi học khèn.

khen-mong-lop-hoc-3.jpg
Một buổi học khèn Mông.

“Người Mông quan niệm, không biết khèn thì không biết cái lý của người Mông. Và dù có học cao, có vị trí ngoài xã hội cao bao nhiêu đi chăng nữa mà gia đình không có người biết thổi khèn cũng vẫn mang mặc cảm thua kém”, anh Hải nói.

Hiện tại, Câu lạc bộ có 58 học sinh với 2 lớp, ở độ tuổi từ 9 đến hơn 30 tuổi. Học viên của CLB bao gồm cả học sinh và người đã đi làm, là công chức nhà nước. Thầy giáo dạy là những thầy khèn giỏi, trong đó, có nghệ nhân Lý Seo Phỏng.

Anh Hải cho biết, các học sinh rất hào hứng, say mê học. Tuy nhiên, cái khó của học khèn Mông đó là ngôn từ của khèn hoàn toàn khác với tiếng người Mông. Có khi thầy chỉ có thể nói tiếng của khèn chứ không thể dịch ra tiếng Mông.

khen-mong-thieu-nu(1).jpg
Những thiếu nữ Mông cũng tham gia Câu lạc bộ.

Ví dụ, “tư tư tử từ lúa”, không dịch ra được ngôn ngữ của người Mông, mà là ngôn ngữ khèn thôi. Trong khi đó, mỗi nghi lễ lại có hàng chục bài khèn khác nhau, chính người Mông còn không thuộc được hết. Thầy giáo dạy khèn chỉ có thể dạy theo cách truyền thống là “cầm tay chỉ việc”. Theo đó, ai có trí nhớ tốt thì nhớ được nhiều, còn không thì rất chậm, trung bình mất 6 tháng mới học xong được những “đường cơ bản”.

“Có người học cả đời cũng vẫn không nhớ được”, thầy khèn Lý Seo Phỏng chia sẻ.

Để khắc phục điều này, anh Hải đã soạn một cuốn sách, với phương pháp mới dùng ký hiệu hóa cho những luyến láy, hít hơi, đánh lưỡi… và các số cho những nốt nhạc ở trên cây khèn. Hiện tại, anh đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế, sau đó, anh sẽ triển khai một lớp thí điểm dạy theo phương pháp mới này.

khen-mong-bieu-dien.jpg
Cùng nhau biểu diễn.

Với sự ra đời của CLB Khèn Mông Bắc Hà, anh Hải đã góp phần giữ gìn được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình và thúc đẩy phát triển du lịch. Với những cống hiến cho cộng đồng, vừa qua, anh Hải là đại diện duy nhất của tỉnh Lào Cai được nhận Giải thưởng "15 tháng 10" của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, dành cho cán bộ hội tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào thanh niên. Nhưng niềm vui nhất đối với anh Hải, là đã giúp nhiều người biết được cái “lý” của người Mông mình.

Theo VietnamDaily
back to top