Tả Thanh Oai vốn là một nơi danh khoa nổi tiếng đất kinh thành xưa, cũng là 1 trong 22 làng khoa bảng của nước ta. Nhẩn nha tản bộ trên con đường làng phủ bóng nhãn cổ thụ, mới thấy Tả Thanh Oai đúng là linh địa của những đình đền miếu mạo tự xửa xưa.
Ngược dòng sử xưa về thời vua Lê Hoàn năm 981, khi ngài qua đây theo đường sông Nhuệ cùng cả vạn đại quân đủ cả tượng, mã sẵn sàng hai đường thủy bộ tiêu diệt quân Tống. Và dù cuộc chiến đã cận kề sinh tử, thì vẻ đẹp của cô gái làng Tó – Phạm Thị Hến đã khiến Lê Hoàn phải rộn rã.
Đình Hoa Xá phối thờ vua Lê Hoàn và Bà Chúa Hến.
Người đẹp làng Tó
Chuyện cũ người xưa ở làng Tó, có lẽ sẽ chẳng thể rõ ràng được nếu không đặt chân đến đình Hoa Xá cổ kính trên bãi nổi giữa dòng sông Nhuệ – nơi thờ người sáng lập nhà Tiền Lê và Bà Chúa Hến mà những sắc phong lẫn câu đối cổ đã phần nào giải mã cho một cuộc tình đẹp.
“Đô Hồ phu nhân là người sắc nước hương trời, đức thuần nết tốt, phong tư tột bậc tiên nhân, cốt cách đúc từ đạo pháp, cho nên lấy chữ Hô Đồ và chữ Uyển Nhân làm tên hiệu… Phối hợp lương duyên với Vua Lê, việc nhà ra mẫn cán, việc nước như một hiền thần, đã cùng vua bình Chiêm, đánh Tống”, trích từ Ngọc phả đình Hoa Xá.
Cụ Nguyễn Kim Thị, Thủ từ đình Hoa Xá cho chúng tôi cuốn ngọc phả đã ố vàng, cũ kỹ lắm rồi. Cuốn ngọc phả quý giá mà bao nhiêu thế hệ làng Tó lưu giữ chính do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính viết vào năm Hồng Phúc thứ nhất 1572 có nói rằng: Một hôm vua Lê Đại Hành qua ấp Hoa Xá ở làng Tó, tạm dừng quân để lấy binh lương; vào giờ Ngọ, nhà vua trông thấy một người con gái cùng gánh gạo trong đám dân công.
Cô đội nón lá, mặc áo vải thô, mắt sáng, mày thanh, mặt xinh như ngọc, miệng cười tươi như hoa. Trong phút nghỉ ngơi, cô xuống sông vốc nước rửa tay, tóc búi tó. Trên trời có đám mây năm sắc che thân. Nhà vua cho rằng, người con gái đó không phải tầm thường. Rồi đem lòng thầm ước nhưng mặt ngoài còn e.
Tượng Bà Chúa Hến tại đình Hoa Xá
Ít lâu sau, thiên hạ thái bình. Quân sĩ reo ca khải hoàn rước vua về kinh đô Hoa Lư. Nhà vua mở tiệc thưởng người có công. Các đình thần tôn tặng vua Lê mỹ hiệu: “Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Binh, Trí Nhân, Quảng Hiếu Đại Hành Hoàng đế”.
Lê Đại Hành chọn ngày ngự giá Bắc tuần, thăm hỏi dân làng. Ngày về lại ấp Hoa Xá: bên tả giang, mời già trẻ trong ấp cùng đến dự yến; rồi cho vời nàng Đô Hồ, ban quần gấm áo ngự, phong làm Quý phi. Sai bà tắm gội, thay áo mũ, cùng sánh xa giá về kinh.
Lúc đó, bà con, họ hàng và dân ấp đều vui mừng, lấy làm vinh hiển. Vua Lê lại cấp 185 mẫu ruộng đất, tiền của để bà đóng thuyền thả sông và lập cung điện ở vườn cũ, gọi là Đô Hồ phi cung.
Người đẹp đối đáp
Cụ Thị và các cao niên ở Tả Thanh Oai bảo rằng, những lời chép ấy được coi là “sử tình” giữa vua Lê Hoàn với Bà Chúa Hến. Tuy nhiên, những dòng biên chép ấy quá ngắn ngủi, chưa lột tả được hết vẻ đẹp cũng như tính cách, thần thái của người con gái làng Tó.
Ở ngay Tả Thanh Oai, từ người già đến trẻ nhỏ còn nhớ câu chuyện dân gian lưu truyền từ nghìn năm trước, đại ý: Vua Lê Đại Hành tới làng Tó, đã gặp một thôn nữ tuyệt sắc nhưng tính cách mạnh mẽ. Quan cận thần yêu cầu cô gái dừng làm cỏ lúa để đến bái lễ hoàng đế, cô gái vẫn coi như không nghe thấy gì.
Tò mò, nhà vua xuống kiệu, tới bên bờ ruộng và hỏi: “Cô bận việc đến nỗi quan quân đi qua mà không tránh được? Sao ta cho mời, cô lại không tới?”.
Nghe vậy, cô gái liền ngẩng mặt lên tâu rằng: “Quan quân đi trên đường, em làm cỏ dưới ruộng, có làm phiền gì đến ngự giá đâu mà phải bỏ việc. Em nghe nói nhà vua đi dẹp giặc nước. Em đây cũng đang dẹp giặc cỏ. Em có việc của em, làm sao dám xen vào việc của nhà vua để nhận lời mời”.
Nghe những lời đối đáp thông minh nghiêm túc như vậy, vua Lê Hoàn thoáng chút giật mình lẫn tâm phục người con gái, ngài vội nói: “Cô quả là người có ý chí phi thường. Có điều sao cô lại cho rằng, cô không thể nghĩ đến chuyện dẹp giặc nước. Giặc là kẻ thù chung, ai cũng phải đánh. Và ta đây, cô tưởng ta không biết dẹp giặc cỏ à? Ta cũng là người từ đồng ruộng mà ra đấy”.
Nghe vậy, cô gái làng Tó mỉm cười đáp: “Em biết, nhưng em thấy vua ngự giá đến đâu là bắt dân chúng lùi xa, bỏ việc, nên mạo muội nghĩ rằng nhà vua đã quên mất ruộng đồng rồi”.
Vua Lê Hoàn cả cười nói rằng: “Giờ ta xuống đây với nàng, chắc nàng thấy rõ ta không quên gốc. Nhưng cũng nhờ nàng mà ta nhớ gốc xuất thân. Ta muốn được nàng ở bên ta mãi mãi để ta khỏi quên”.
Bà Chúa Hến họ Phạm?
Theo tìm hiểu của TS. Đinh Công Vĩ, Viện nghiên cứu Hán Nôm thì Bà Chúa Hến tên thật là gì thì khó xác định, nhưng do thường ngày bà mò cua bắt hến bên bờ sông Nhuệ, hơn nữa về sau lại thành hậu phi của Lê Đại Hành nên người dân thường gọi là Bà Chúa Hến.
Lối vào Minh Ngự Lâu – nơi từng là nơi ở của người đẹp làng Tó.
Còn lời tựa bản ngọc phả ở đền thờ bà do Thanh Xuyên bá Lê Công soạn lời ca ngợi: “Bà là người sắc nước hương trời, đức thuần khiết tốt, phong tư tột bậc tiền nhân, cốt cách đúc từ đạo pháp. Cho nên lấy chữ Đồ Hồ và chữ Uyển Nhân làm tên hiệu.
Bà gặp Lê Đại Hành khi nhà vua dẫn quân lên phương Bắc chống giặc theo dòng sông Nhuệ qua làng Tó. Cảm phục trước sắc tài và câu hò cực kỳ thánh thót của bà: “Chàng đi tán tía tán vàng/Để em cắt bỏ bến đàng sao đang/Tay cầm bán nguyệt xênh xang/Một trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta”.
“Ngày nay đình còn đó với bức tượng Bà Chúa Hến sinh động như người sống, làm chúng ta nhớ lại cuộc gặp gỡ hào húng thuở nào cũng trên khúc sông dào dạt tình người ấy mà đôi câu đối Nôm từng diễn tả: Vằng vặc nghìn thu gương kháng Tống/Dạt dào vạn nẻo khúc đò Lương”, TS. Đinh Công Vĩ cho hay.
Cụ Nguyễn Kim Thị, Thủ từ đình Hoa Xá và các cao niên Tả Thanh Oai lại khẳng định, Bà Chúa Hến họ Phạm – tên đầy đủ là Phạm Thị Hến. Từ buổi thôn nữ Phạm Thị Hến theo nhà vua trong việc quân ngũ, chuyên trách việc tiếp tế lương thảo; được phong là Đô Hồ phu nhân.
Thế nhưng, trong nhiều năm ở bên vua mà bà không sinh được mụn con nào; buồn tủi, bà xin về quê sinh sống và mất tại làng khi mới 37 tuổi. Bà Chúa Hến chính là 1 trong 5 hoàng hậu của vua Lê Đại Hành – tức Phạm hoàng hậu.
Cụ Thị cho biết thêm, dân làng Tó hàng năm vẫn tổ chức cúng giỗ Bà Chúa Hến. Nơi ở cũ của bà dựng lầu Minh Ngự. Nhà cung phi thì sửa thành miếu điện. Từ đó, miếu – đình Hoa Xá là nơi phối thờ vua Lê Đại Hành và Đô Hồ phu nhân.
Đồng thời, để tưởng nhớ công ơn của bà, dân địa phương còn tôn Đô Hồ phu nhân cùng với vua Lê Đại Hành làm Thành hoàng làng. Từ đó, người làng Tó gọi bà với cái tên dân dã: Bà Chúa Hến.
Tượng “Hạc thờ mỏ vẹt” tại nơi thờ Bà Chúa Hến.
“Di tích Minh Ngự Lâu tuy nhỏ nhưng liên quan chặt chẽ đến đình cổ Hoa Xá. Từ xưa cứ rằm tháng giêng thì làm lễ hội làng. Từ tối ngày 14, hai pho tượng được rước cùng ngai thờ về Minh Ngự Lâu. Năm 1958, Bác Hồ đã về thăm Tả Thanh Oai và nói chuyện tại Minh Ngự Lâu. Người căn dặn dân làng phải chăm lo đồng ruộng và gìn giữ những di tích lịch sử quý giá của làng xã”, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai.
Trần Hòa